Kỹ thuật dẫn lưu tư thế
KỸ THUẬT DẪN LƯU TƯ THẾ
I.ĐẠI CƯƠNG
– Dẫn lưu tư thế là kỹ thuật dùng tư thế thích hợp tùy theo vị trí tổn thương ở phổi để dẫn các dịch tiết trong đường hô hấp ra ngoài.
– Thường kết hợp với các kỹ thuật khác trong phục hồi chức năng như vỗ, rung, ho, ho có trợ giúp…
II.CHỈ ĐỊNH
– Sau phẫu thuật lồng ngực, ổ bụng.
– Người bệnh thở máy liên tục nhiều ngày.
– Người bệnh nằm bất động lâu ngày.
– Người bệnh bị giãn phế quản, bệnh xơ nang, tăng tiết dịch, đờm dãi.
– Xẹp phổi do ứ đọng.
– Áp xe phổi, viêm phổi.
– Tắc nghẽn dịch trong hôn mê, u não.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Thận trọng trong các trường hợp sau phẫu thuật lồng ngực.
IV.CHUẨN BỊ
1.Người thực hiện: bác sỹ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng viên.
2.Phương tiện
– Máy hút, ống dẫn lưu (nếu cần).
– Khay quả đậu, khăn tay, giấy lau.
– Máy đo huyết áp, ống nghe.
– Gối kê lót.
– Khẩu trang.
3.Người bệnh
– Được kiểm tra toàn thân: mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở.
– Nghe phổi tìm ra vùng ứ đọng nhiều để tập trung dẫn lưu.
– Lưu ý tất cả các ống thông, các dây nối dùng trên người bệnh.
– Người bệnh chỉ được ăn nhẹ hoặc ăn sau khi kết thúc đặt tư thế dẫn lưu.
4.Hồ sơ bệnh án
– Kỹ thuật viên nắm rõ tiền sử, bệnh sử, quá trình diễn biến và chẩn đoán của bác sỹ đối với người bệnh.
– Hiểu được chỉ định và chống chỉ định.
– Đọc được kết quả chụp Xquang, các thông tin về nồng độ O2 và CO2 trong máu.
V.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1.Tâm lý tiếp xúc với người bệnh
Tạo tâm lý tiếp xúc tốt với người bênh, giải thích rõ cho người bệnh và người nhà hiểu được bệnh tật để hợp tác.
2.Thực hiện kỹ thuật
– Kỹ thuật viên luôn quan sát, theo dõi người bệnh.
– Tùy theo vùng tổn thương của phân thùy phổi hoặc vùng ứ đọng chất dịch tiết mà đặt tư thế dẫn lưu để đưa các dịch tiết thoát ra các nhánh phế quản lớn hơn.
– Thay đổi tư thế: mỗi tư thế dẫn lưu từ 5 đến 10 phút. Tổng thời gian của các tư thế là 40 phút. Mỗi ngày đặt tư thế dẫn lưu hai lần: sáng và chiều. Buổi sáng dẫn lưu tư thế các vùng nhiều ứ đọng.
– Kết hợp tập thở, vỗ rung, ho, khạc đờm (nếu như không có chống chỉ định những liệu pháp đó cho người bệnh):
+ Tư thế nửa nằm nửa ngồi: trong tổn thương hai thùy đỉnh, hai thùy trên.
+ Tư thế nằm ngửa: tổn thương phân thùy trước, phân thùy trên.
+ Tư thế nằm sấp: phân thùy trên, phân thùy sau.
+ Tư thế nằm nghiêng, đầu thấp: phân thùy dưới phải.
+ Tư thế nằm ngửa đầu thấp hay nằm sấp phủ phục trên gối trong tổn thương phân thùy sau- hai thùy dưới.
VI.THEO DÕI
– Trong khi làm cần phải theo dõi tình trạng người bệnh như: mạch, huyết áp, nhịp thở, nồng độ O2 và CO2 trong máu.
– Theo dõi sắc mặt, mệt mỏi, khó thở.
– Theo dõi chất dịch khạc ra: màu sắc, độ đậm đặc, mùi vị, số lượng.
– Đánh giá kết quả dẫn lưu tư thế.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
– Tai biến: người bệnh mệt mỏi nhiều, khó thở, da tím tái, mạch, huyết áp không ổn định…
– Xử trí: phải dừng ngay kỹ thuật và báo cáo cho bác sỹ chuyên khoa để kịp thời xử trí.