Kỹ thuật sử dụng giầy dép cho người bệnh phong
KỸ THUẬT SỬ DỤNG GIẦY DÉP CHO NGƯỜI BỆNH PHONG
I.ĐẠI CƯƠNG
– Do bàn chân mất cảm giác nên người bệnh phong cần được sử dụng giầy dép để bảo vệ bàn chân không bị thương tích do gai sắc, vật nhọn và giúp làm lành các vết thương.
– Giầy dép phải đảm bảo phân bố đều sức nặng trên toàn bộ gan chân tránh các vùng sẹo và điểm tỳ đè, bảo vệ được toàn bộ bàn chân tránh sang chấn từ bên ngoài.
– Giầy dép phải đủ rộng để chứa tất cả bàn chân (kể cả những phần lồi xương do biến dạng).
– Chất liệu làm giầy dép phải tốt, càng ít chỗ nối càng tốt để tránh tỳ đè chân.
II.CHỈ ĐỊNH
– Người bệnh phong có bàn chân bị mất cảm giác
– Người bệnh phong có bàn chân đã bị loét
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh phong đã bị cắt cụt bàn chân do các biến chứng loét, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân.
IV.CHUẨN BỊ
- Người thực hiện
Bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình.
- Phương tiện: Giầy, dép cho người bệnh phong
- Người bệnh
– Được giải thích kỹ về các chọn và sử dụng giầy, dép
– Người bệnh ở tư thế ngồi
- Hồ sơ bệnh án
Ghi chép đầy đủ tình trạng bệnh lý và kết quả lượng giá bàn chân của người bệnh
V.CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra tình trạng bệnh lý và kết quả lượng giá bàn chân của người bệnh
- Kiểm tra người bệnh
Người bệnh ở tư thế ngồi thỏa mái dễ chịu để thuận tiện cho việc chọn và đi giầy, dép.
- Thực hiện kỹ thuật
* Cách chọn giầy, dép:
– Yêu cầu người bệnh đứng trên một tờ giấy và vẽ vòng quanh bàn chân người đó.
– Khi chọn giầy, dép cần kiểm tra sao cho chu vi của giầy, dép không nhỏ hơn chu vi của bàn chân.
– Giầy dép phải đảm bảo có một lớp đế dưới cứng, để ngăn những vật sắc nhọn trên mặt đất xuyên qua. Một lớp đế trên mềm sẽ làm giảm áp lực lên bàn chân khi bước đi.
– Nếu người bệnh bị tổn thương bàn tay và mắt thì nên mang giầy, dép cài bằng băng xé dính velcro.
* Cách sử dụng giầy, dép:
– Bước1: Nới lỏng dây giầy hay quai dép trước khi đi.
– Bước 2: Đưa chân vào sâu trong giầy, dép. Đảm bảo giầy, dép chứa toàn bộ bàn, ngón chân của người bệnh.
– Bước 3: Thắt chặt lại dây giầy hay quai dép
VI.THEO DÕI
Cần phải hướng dẫn người bệnh theo dõi, kiểm tra các vùng tỳ đè, biến dạng của bàn chân để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây loét.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
Trong quá trình đi giầy, dép nếu bàn chân bị loét hay nhiễm trùng thì cần phải kiểm tra lại giầy, dép kết hợp với chăm sóc, vệ sinh bàn chân hàng ngày.