Nếu “đúng quy trình”, 
anh Nhược đâu bị cưa chân!

Chia sẻ tin này:

Là người trong ngành, tôi cảm thấy rất đau xót khi đọc trên số báo Tuổi Trẻ ngày chủ nhật 5-6 có thông tin về ca cắt cụt chi “oan uổng” của anh Nguyễn Ngọc Nhược (Bình Long, Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Anh Nguyễn Ngọc Nhược đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng sau khi bị cưa chân – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sự việc tóm tắt như sau: Sáng 28-5, anh Nguyễn Ngọc Nhược bị té xe tại thị trấn Châu Ổ. Sau khi được sơ cứu, anh Nhược được chuyển tới Bệnh viện Quân y 17 thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 5 đóng tại Đà Nẵng.

Sau khi chụp phim, anh Nhược được chẩn đoán bị sai khớp gối chân trái, rồi cho thuốc uống và bó gối bằng thun mềm. Đến chiều, vì vẫn còn đau, anh Nhược được cho chụp phim lần 2 và có chẩn đoán là đứt dây chằng khớp gối. Chiều 29-5, anh Nhược đau nhiều nên được cho siêu âm, kết quả cho thấy mạch máu lưu thông bình thường.

Đến tối 31-5, anh Nhược đau và nôn ói dữ dội, bệnh viện cho siêu âm và phát hiện mạch máu bị tắc nghẽn do chèn ép và bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Đà Nẵng. Ngay trong tối 31-5, các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng siêu âm, chụp DSA, CT Scan và cho mổ cấp cứu vì chân anh Nhược đã hoại tử, không thể bảo tồn.

Chúng ta biết rằng các động mạch chân sẽ đưa máu đến cung cấp dưỡng khí và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của mô, cơ ở chân. Khi dòng máu đến bị thiếu hụt, chân vùng tương ứng sẽ bị đau và tê. Trong trường hợp nặng, động mạch bị tắc nghẽn, dòng máu nuôi bị chặn lại. Nếu không được can thiệp mạch, đặt stent kịp thời, các mô tế bào vùng tương ứng sẽ bị hoại tử, nhiễm trùng và chân cần bị cắt cụt để cứu mạng bệnh nhân.

Tuy nhiên nếu “đúng quy trình” ngay từ đầu, bệnh nhân đã không bị cụt chân! Can thiệp tim mạch là kỹ thuật “vàng”, không quá khó để giải quyết triệt để những hẹp nghẽn tắc mạch nói chung và tắc mạch chân. Nhưng điều tiên quyết là bác sĩ phải có hướng điều trị và chỉ định những xét nghiệm, thủ thuật chính xác để xác định, đánh giá mức độ, tính chất tổn thương đúng mức.

Một số bệnh nhân bị cắt cụt chân như thế này từng được thông tin đại chúng: Nguyễn Nho Pháp (Quảng Nam), Trương Chí Nguyện (Bạc Liêu), Lê Thị Hà Vy (Đắk Lắk) càng làm người hành nghề y cũng như dư luận xã hội không khỏi đau xót. Đó là những trường hợp sai sót rất lớn về chuyên môn, thể hiện sự tắc trách chứ không thể gọi là “đúng quy trình”.

Tôi giảng dạy y khoa gần 40 năm. Hồi trước, sinh viên y khoa phải học môn nghĩa vụ luận, một dạng công dân giáo dục hay đạo đức y khoa, bao giờ cũng nằm lòng lời thề Hippocrate, 9 điều phải theo và 8 điều phải tránh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác làm hành trang ra đời. Y đức đâu quá cao xa, theo tôi, “phải dám học mới dám làm” là một thành tố quan trọng của y đức.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận