Người Việt ăn quá mặn và thiếu canxi
Nhiều người có thói quen ăn cho “sướng miệng”, ăn theo sở thích chứ không phải để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng hợp lý.
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẩu phần ăn của người Việt trong 30 năm qua hầu như không thay đổi với tổng lượng thức ăn bình quân đầu người dao động từ 790-880 g/ngày. Tuy nhiên, lượng thịt tiêu thụ trung bình hiện ở mức 80 g/người/ngày, tăng 3-4 lần so với những năm trước (20-30 g/người/ngày).
Thừa thịt nhưng thiếu chất
Với việc tăng lượng đạm trong khẩu phần ăn, tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lượng tiêu thụ thịt của người Việt hiện chưa cân đối với cá và rau. “Mức tiêu thụ cá mới đạt dưới 60 g/người/ngày, trong khi theo chế độ dinh dưỡng hợp lý ở một số quốc gia châu Á, mức tiêu thụ thịt trung bình khoảng 70 g/người/ngày và cá là 200-300 g/người/ngày. Đáng nói là lượng rau xanh mà người Việt tiêu thụ rất thấp, trung bình mới đạt 170-200 g/người/ngày, trong khi mức khuyến nghị cần đạt là trên 300 g” – PGS -TS Mai nhấn mạnh.
Cũng theo bà Mai, nghiên cứu thói quen ăn uống của người dân trong những năm gần đây cho thấy người Việt Nam có thói quen ăn cho “sướng miệng”, ăn theo sở thích chứ không phải ăn để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng một cách hợp lý. Đặc biệt, khẩu phần canxi của người Việt hơn 30 năm nay chỉ đạt 500-540 mg/người/ngày, đáp ứng 50-60% khẩu phần khuyến nghị, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tầm vóc và là nguyên nhân dẫn đến các bệnh xương khớp. “Trước đây, người dân chưa có điều kiện, chỉ ăn cá nhỏ và ăn được cả xương nên có lượng canxi từ xương cá hấp thụ vào cơ thể nhiều hơn. Hiện nay, người Việt có thói quen ăn cua bỏ mai và yếm, ăn tôm bỏ vỏ – nơi chứa phần giá trị canxi chủ yếu” – bà Mai nói.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khẩu phần canxi thấp dưới 600 mg/ngày có liên quan nhiều đến bệnh tăng huyết áp, ung thư trực tràng. Thiếu canxi dài hạn cũng khiến tăng nhạy cảm thần kinh, mệt mỏi, ớn lạnh, chuột rút kèm theo một loạt nguy cơ loãng xương, gãy xương. Đặc biệt, với tình trạng xương biến dạng do loãng xương vì thiếu canxi thì sau 70 tuổi, 100% người Việt mắc bệnh xương khớp.
Thói quen ăn mặn kéo theo nhiều bệnh tật cho người Việt, trong đó có bệnh tăng huyết áp
Thừa muối, nhiều nước ngọt
Thói quen ăn mặn của người Việt cũng đang kéo theo nhiều hậu quả đối với sức khỏe. PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhận định người Việt đang ăn quá mặn, có hại cho sức khỏe. Ngoài việc hay ăn muối, nước mắm vốn là loại thức chấm rất mặn, các thức ăn của người Việt cũng có nhiều món rau củ quả muối chua (dưa, cà, sung…) ăn kèm hằng ngày khiến lượng muối đưa vào cơ thể ngày càng nhiều. Người Việt ăn mặn gấp 2-3 lần khuyến cáo. Kết quả nghiên cứu về lượng muối có trong khẩu phần ăn của nhóm người trưởng thành ở độ tuổi 25-64 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12-15 g/người/ngày. Lượng muối tiêu thụ hằng ngày của người dân Việt Nam chủ yếu thu nhận từ các loại gia vị cho vào thức ăn trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn (chiếm 81%), có trong thực phẩm chế biến sẵn (11,6%) và trong thực phẩm tự nhiên. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng muối mỗi người tiêu thụ nên ở mức ít hơn 5 g/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê).
Các nghiên cứu cho thấy tại Hà Nội, người dân sử dụng 9 g muối/ngày khiến tỉ lệ tăng huyết áp là 11%. Còn người Nghệ An dùng 13 g muối/ngày nên tỉ lệ tăng huyết áp vọt lên đến 17% – 18%. GS-TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ bệnh tăng huyết áp ở Việt Nam tăng nhanh một cách báo động với tỉ lệ người trưởng thành mắc bệnh lên đến gần 50% là do thói quen ăn mặn. “Ăn mặn khiến khối lượng tuần hoàn máu gia tăng, làm tăng áp lực lên thành mạch, kéo theo tăng huyết áp. Lâu ngày sẽ dẫn đến các biến chứng do tăng huyết áp như đột quỵ, bệnh tim mạch” – ông Việt cảnh báo.
Không chỉ sử dụng lượng muối quá nhiều so với mức cho phép, trong 5 năm trở lại đây, lượng nước ngọt có gaz được tiêu thụ tại nước ta đã tăng gấp đôi. PGS-TS Lê Bạch Mai cho rằng uống quá nhiều nước ngọt, nước có gaz rất có hại cho trẻ em. Theo công bố của Hiệp hội Nước giải khát Việt Nam năm 2015, trung bình 1 người Việt tiêu thụ 53,6 lít nước giải khát, 38 lít bia và chỉ có 14,8 lít sữa. “Trung bình, mỗi tuần 1 người Việt dùng hết hơn 1 lít nước giải khát có đường, tương đương 3 chai “nho nhỏ”. Theo khuyến cáo, mỗi người chỉ cần tối đa 25 g đường mỗi ngày nhưng 1 lon nước ngọt có thể có 36 g đường. Nhiều loại nước ngọt còn có tới 50-60 g đường/chai nên mức độ nguy hại đối với sức khỏe càng lớn” – bà Mai phân tích.
“Nghèo” canxi khó cải thiện tầm vóc Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao trung bình hiện tại của nam giới là 164,4 cm và của nữ là 153,4 cm. Tốc độ tăng chỉ khoảng 1-1,5 cm trong một thập kỷ, thấp hơn chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới 13,1 cm (nam) và 10,7 cm (nữ) và thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á. Thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu cải thiện chế độ ăn nghèo canxi như hiện nay cộng thêm luyện tập thể thao thì tầm vóc của người Việt có thể được cải thiện. |
Nguồn 24h.com.vn