Nhiễm độc chì rất dễ xảy ra ở trẻ nhỏ: Những cảnh báo cha mẹ cần biết
Chơi những loại đồ chơi bao phủ một lớp sơn lên trên – ẩn chứa nhiều chì, dễ gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ. Ngoài ra còn những thói quen nào khiến trẻ nhiễm độc chì?
Những dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị nhiễm độc chì
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đối với trẻ bị ngộ độc chì cấp tính thường có biểu hiện ở tất cả các cơ quan. Biểu hiện rõ nhất chính là co giật, hôn mê, không có dấu hiệu sốt và sốt, da xanh, người mệt, yếu ớt, bụng to do gan to và lá lách bị to ra, thiếu máu.
Đối với trẻ nhỏ không bị nhiễm độc chì nặng thường có biểu hiện chán ăn, chậm lên cân. Còn trẻ nhiễm độc chì mãn tính thường có biểu hiện người mệt mỏi, tác phong chậm chạp, học tập kém…
“Nhiều trẻ bị nhiễm độc chì nhưng không có biểu hiện rõ ràng, phải đi khám mới biết nhưng cũng có nhiều trẻ gặp phản ứng ngay sau khi bị nhiễm như buồn nôn và nôn, nôn mửa… Nhưng chung quy lại, trẻ bị nhiễm độc chì có biểu hiện bên ngoài cực ít, cực hiếm, thường biểu hiện khi đã bị nhiễm độc chì nặng. Chưa hết, nhiễm độc chì ở trẻ còn là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau, dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh như thiếu máu, viêm màng não”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Do đó, để có thể xác định đúng trẻ bị nhiễm độc chì hay các bệnh nguy hiểm khác, xem xét và hỏi han kỹ tiền sử bệnh lý của bệnh nhân là đặc biệt quan trọng, đặc biệt phải hỏi rõ xem trẻ có tiếp xúc với chì trong cuộc sống hàng ngày hay không.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiều trẻ bị nhiễm độc chì nhưng không có biểu hiện rõ ràng, phải đi khám mới biết. (Ảnh: TN)
Vì đâu trẻ nhỏ rất hay bị nhiễm độc chì?
Theo ông Dũng, những năm trước đây, phụ huynh thường cho con em mình sử dụng thuốc cam để bôi và uống hoặc các loại thuốc nam trị bệnh tiêu chảy… Những loại thuốc này bị nhiễm chì trong quá trình bào chế, khiến tích tụ chì trong cơ thể trẻ.
Trẻ nhỏ sống trong gia đình làm những ngành nghề liên quan đến chì như bán xăng dầu, công nhân trong những nhà máy phải tiếp xúc với chì nhiều… cũng rất dễ khiến trẻ bị nhiễm độc chì.
Đặc biệt là những món đồ chơi của trẻ nhỏ. Những loại đồ chơi thường làm bằng gỗ, nhựa và được bao phủ một lớp sơn lên trên – ẩn chứa nhiều chì, dễ gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ. Do thói quen sử dụng đồ chơi như việc cầm, nắm, ngậm vào miệng… vô tình khiến chì xâm nhập qua cơ thể dễ dàng hơn.
Ông Dũng cũng lưu ý thêm, thói quen sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng cũng gây nhiễm độc chì cho trẻ. Cha mẹ đặc biệt cần lưu ý, hiện nay việc sinh hoạt văn nghệ đoàn, đội tại trường của trẻ rất đa dạng, phong phú. Nếu trẻ được trang điểm bằng những loại mỹ phẩm không đảm đảo sẽ rất dễ khiến cơ thể bị nhiễm độc chì.
Ngoài ra, những trẻ sống ở vùng đất đào mỏ, bị ô nhiễm không khí, nguồn nước nhiều… cũng rất dễ bị nhiễm độc chì. Bởi lẽ, khi nguồn đất nơi trẻ sống bị nhiễm chì sẽ kéo theo nguồn nước, thực phẩm chứa một lượng chì không nhỏ vô tình chui vào cơ thể trẻ. Đó là chúng ta còn chưa nói đến chuyện chì hoàn toàn có thể tiếp xúc qua da hay việc hít thở không khí.
Phòng tránh nhiễm độc chì – Cách nào?
“Những ai có nguy cơ nhiễm độc chì cần phải đi xét nghiệm chì trong máu ngay. Dấu hiệu nhận biết cơ thể nhiễm độc chì ở cả trẻ em và người lớn không chỉ bằng cách khám lâm sàng. Khám lâm sàng chỉ phát hiện được khi bệnh tình đã nặng”, ông Dũng nói.
Vị phó giáo sư này cũng cảnh báo thêm, mặc dù cơ thể trẻ không có triệu chứng gì trên lâm sàng nhưng chúng ta cần duy trì các thói quen sống lành mạnh, tránh những nguồn là nguy cơ gây nhiễm độc chì cho trẻ như trên đã nói. Đặc biệt, bạn cần sử dụng thuốc thải chì để đào thải chì hiệu quả ra khỏi cơ thể khi đã bị nhiễm độc chì. Chúng ta – kể cả người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể giải độc chì bằng đường uống (nếu nhiễm chì nhẹ) và đường tiêm (nếu đã nhiễm chì nặng).
Cần loại bỏ ngay những loại đồ chơi sử dụng sơn kém chất lượng vì có nguy cơ nhiễm độc chì cao. (Ảnh minh họa: Internet)
Cần loại bỏ ngay những loại đồ chơi sử dụng sơn kém chất lượng vì có nguy cơ nhiễm độc chì cao. (Ảnh minh họa: Internet)
“Nếu không, trẻ bị nhiễm độc chì sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến chuyện học tập, tương lai sẽ trở nên mù mịt” là lời cảnh báo không thể xem thường của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng.
Vậy khi nào cần phải đi xét nghiệm nhiễm độc chì? Ông Dũng cho rằng, những trẻ sống trong môi trường nhiễm độc chì như đất nhiễm chì, nước nhiễm chì… cần xét nghiệm đầu tiên. “Trẻ cần được đưa đến các trung tâm chống độc, viện hóa học để xét nghiệm. Đây không phải là xét nghiệm thường và không thể xét nghiệm ngay tại các bệnh viện địa phương”,PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý cha mẹ khi chế biến thức ăn cần tránh xa các nguồn có thể gây nhiễm độc chì, không để thức ăn cạnh những nguồn nhiễm độc chì. Cần loại bỏ ngay những loại đồ chơi có sơn (mà hầu hết bây giờ đồ chơi đều được sơn màu cho đẹp) kém chất lượng. Lưu ý các thầy cô giáo tránh để trẻ tiếp xúc với mỹ phẩm rởm, có chứa chì…
Nước nóng bị nhiễm chì nhiều hơn nước lạnh: Kết luận không có căn cứ PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, nước nóng bị nhiễm độc chì nhiều hơn nước lạnh hay thậm chí ngược lại là một suy đoán, kết luận không có cơ sở. “Nước sinh hoạt hàng ngày nếu bị nhiễm chì dù nóng hay lạnh thì đều có mức độ nhiễm chì như nhau cả”, ông Thịnh nói.
Nước giếng khoan là nguồn nước dễ nhiễm nhiều loại kim loại nặng. (Ảnh minh họa: Internet) Theo ông, nguy cơ nhiễm chì từ các nguồn nước sinh hoạt là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nguy cơ này chỉ thành sự thật đối với những những nguồn nươc được khai thác từ nước sông nhiễm chì, nước giếng khoan không được xử lý tốt trước khi cung cấp cho các hộ gia đình sử dụng.
“Nguyên tắc là những thiết kế đường ống dẫn nước, những thiết bị để đun nước nóng phải đảm bảo không có chì trong quá trình tạo ra sản phẩm. Vì nếu có thì sẽ có khả năng hòa vào nước, dễ dàng tiếp xúc với con người. Tuy nhiên, điều này cũng cần có nghiên cứu, kết luận cụ thể, còn ở đây chúng ta chỉ nói tới chuyện có khả năng mà thôi”, ông Thịnh nói.
Vị phó giáo sư này khẳng định: “Nước lạnh bị nhiễm chì hay nước nóng bị nhiễm chì thì bản chất đều là nhiễm chì cả, không thay đổi gì về khả năng nhiễm chì. Nó chỉ thay đổi ở chỗ, nếu dụng cụ dùng để đun mà bị nhiễm chì thì sẽ bị thôi nhiễm ra, do đó khả năng nhiễm chì sẽ cao hơn khi chưa đun. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải có bằng chứng là dụng cụ sử dụng để đun nấu có bị nhiễm chì không, còn thực tế khi nước nóng lên không hề bị nhiễm chì nhiều hơn”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý, nước giếng khoan là nguồn nước dễ nhiễm nhiều loại kim loại nặng, nổi bật là thủy ngân, asen. Muốn xác định xem nước có bị nhiễm độc chì hay không, bạn cần mang mẫu nước đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm cụ thể. Nhà nước cũng cần yêu cầu phía An toàn vệ sinh thực phẩm phân tích hàm lượng nước xem có bị nhiễm chì không để đưa ra hướng xử lý kịp thời.
|
Nguồn afamily.vn
Có thể bạn quan tâm
Đây là 2 cách thải độc chì cho trẻ đơn giản nhất phụ huynh nên áp dụng ngay
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Nước giải khát = hóa chất + chất phụ gia
TS Hoàng Xuân Ba: Bị tiểu đường có nguy cơ mắc ung thư cao hơn
Căn bệnh nhiễm độc chì góp phần làm đế chế La Mã diệt vong
TS Hoàng Xuân Ba cảnh báo nguy cơ ung thư cao hơn bình thường nếu mắc căn bệnh này
Nhận biết nguy cơ nhiễm độc kim loại qua những biểu hiện trên da
PGS Lê Bạch Mai: “Nói rằng nước ngọt có hại cho sức khỏe của trẻ em thì chưa công bằng”
Uống phải nước C2, Rồng đỏ có chì, xử lý như thế nào?
Theo dõi
Đăng nhập
Xin hãy đăng nhập để bình luận
0 Góp ý
Cũ nhất