Nhiều trẻ nguy kịch vì chữa tiêu chảy bằng “mẹo”

Chia sẻ tin này:

Theo BS Nguyễn Văn Thường, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), ngoài các bệnh viêm hô hấp liên quan đến nắng nóng thì bệnh tiêu chảy ở trẻ em là căn bệnh thường gặp nhất trong mùa hè. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận 50 – 70 bệnh nhi khám tiêu hóa, trong đó chủ yếu là tiêu chảy. Chữa tiêu chảy bằng mẹo dân gian rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.

Nhiều trẻ nguy kịch vì chữa tiêu chảy bằng “mẹo” - 1

Trẻ bị tiêu chảy điều quan trọng là phải bù nước. Ảnh: Nguyễn Mai

Nguy kịch vì dùng sái thuốc phiện trị tiêu chảy

Bé Mẫn (ở Hà Đông, Hà Nội) 9 tháng tuổi bị tiêu chảy, mẹ bé lại nghĩ con đi tướt để bò nên chủ quan. Mỗi lần thấy còn xì xoẹt, chị Thanh lại mua thuốc cầm tiêu chảy và lấy lá ổi non nhai ra cho bé nuốt. Sau một tuần, bé Mẫn vẫn đi tiêu chảy ngày 4 lần. Đến khi bé quấy khóc, phần hậu môn đỏ tấy bố mẹ mới đưa con đi viện khám. Sau khi kiểm tra, bác sỹ cho biết cháu bị tiêu chảy do trước đó bị viêm mũi họng, mẹ bé tự mua kháng sinh về cho con uống quá lâu gây ra tình trạng loạn khuẩn ở ruột nên bị tiêu chảy. Việc vừa dùng kháng sinh vừa dùng lá ổi đã khiến tình trạng bệnh tăng nặng.

Trước đó, bé Hoàng H, 10 tháng tuổi (ở Phú Thọ) đã nhập viện trong tình trạng sốt cao, thở khò khè, đi ngoài phân lỏng nước, da tím tái. Theo người nhà cho biết, khi thấy cháu bị đi ngoài phân lỏng ngày nhiều lần, gia đình đã cho cháu uống sái thuốc phiện để tự chữa bệnh. Sau khi uống, bé tím tái, khó thở được đưa đi cấp cứu. Sau thăm khám và làm xét nghiệm lâm sàng, cháu được chẩn đoán bị suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử co, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn nặng.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, BS Nguyễn Văn Thường cho biết, mùa hè, ngoài các bệnh viêm hô hấp liên quan đến nắng nóng thì bệnh tiêu chảy ở trẻ em là căn bệnh thường gặp nhất. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận 50 – 70 bệnh nhi khám tiêu hóa, trong đó chủ yếu là tiêu chảy.

Bệnh thường do hai nguyên nhân chính là nhiễm các loại vi khuẩn có trong thức ăn, nước uống hoặc do nhiễm virus. Nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển. Mặt khác, do nắng nóng, trẻ sẽ uống nhiều nước hơn bình thường và có thể một số loại nước trẻ uống không đảm bảo vệ sinh. Thói quen sử dụng nước đá để giải nhiệt khi thời tiết quá nóng cũng khiến trẻ mắc tiêu chảy vì nhiễm vi khuẩn có trong nước đá.

“Điều đáng nói là không ít trẻ đã gặp nguy hiểm từ chính sai lầm trong điều trị của cha mẹ. Không hiếm cha mẹ dùng thuốc phiện để chữa tiêu chảy cho trẻ, nhất là ở các vùng nông thôn và miền núi. Việc cầm đi ngoài theo cách này là chống chỉ định dùng. Bản chất của thuốc phiện làm cho giảm nhu động ruột, thậm chí liệt ruột. Tuy số lần đi ngoài giảm nhưng bệnh không giảm, thậm chí nặng hơn. Vì khi đó các tác nhân gây tiêu chảy không được đào thải ra ngoài mà tồn đọng trong đường ruột càng gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, thậm chí bị viêm ruột, gây biến chứng nguy hiểm. Tiêu phân lỏng cũng là cách để thải virus, độc chất – nguyên nhân gây bệnh ra ngoài”, BS Nguyễn Văn Thường nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, nhiều cha mẹ khi thấy con bị tiêu chảy còn tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy hay theo kinh nghiệm dân gian dùng các loại lá ổi, lá hồng xiêm. Các loại thuốc đó gần như không có tác dụng mà có thể làm cho tình trạng bệnh kéo dài, nặng hơn. Như trong búp lá ổi xanh có chứa chất tanin, có tác dụng làm săn niêm mạc ruột ngay tức khắc làm ngưng tình trạng đi ngoài phân lỏng. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm chỉ là giả tạo. Nguyên nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng vẫn tồn đọng trong lòng ruột làm bệnh không hết.

Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

BS Nguyễn Văn Thường cho biết, không phải trẻ mắc bệnh tiêu chảy đều nhập viện điều trị mà tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. 90% có thể tự điều trị tại nhà. Nếu chỉ mất nước ở mức độ nhẹ với biểu hiện khát nhẹ, miệng khô, còn tiểu được… có thể điều trị tại nhà để bù nước và điện giải. Khi trẻ có một trong những dấu hiệu như: Sốt cao liên tục, tiêu phân có máu, trẻ trở nên khát nước quá nhiều, li bì, co giật… thì phải đưa trẻ đi khám kịp thời.

Việc dùng kháng sinh nên có chỉ định của bác sỹ. Cũng là tiêu chảy nhưng mỗi loại nguyên nhân lại có thuốc chỉ định khác nhau. Trẻ bị tiêu chảy cần được quan tâm đảm bảo về mặt dinh dưỡng. Không nên cho trẻ nhịn ăn hay nhịn uống với quan niệm nhịn ăn uống sẽ bớt tiêu chảy. Nên cho trẻ ăn những món ăn dễ tiêu như cháo loãng với thịt nạc, ăn chuối; không được cắt khẩu phần các loại thực phẩm như tôm, cá, thịt, trứng, sữa… của trẻ. Cho trẻ ăn làm nhiều bữa vì lúc này trẻ lười ăn, không nên ép trẻ ăn nhiều một bữa như bình thường càng khiến trẻ sợ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, khi trẻ bị tiêu chảy rồi thì việc đầu tiên phải làm là bù nước, điện giải sớm cho trẻ bằng dung dịch oresol. Nếu pha oresol không đúng tỷ lệ pha quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ. Ngược lại nếu pha quá đặc, bé sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng do lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra khiến cơ thể bị mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp bù điện giải mà trẻ vẫn tiêu chảy và kèm nôn cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân có biện pháp điều trị kịp thời.

Khi trẻ bị tiêu chảy rồi thì việc đầu tiên phải làm là bù nước, điện giải sớm cho trẻ bằng dung dịch oresol. Trên thị trường có nhiều loại oresol để bù nước và điện giải như gói pha một lít nước; gói pha 200ml nước; gói pha 250ml nước. Pha với nước đun sôi để nguội. Khi pha đúng, nồng độ các chất điện giải mới dễ hấp thu vào cơ thể. Bạn cần dùng các loại cốc, bình chia độ để đo đúng lượng nước cần pha. Cách uống: Bé dưới 2 tuổi, uống 50 – 100ml/lần tiêu chảy; bé 2 – 9 tuổi, uống 100-200ml/lần tiêu chảy; bé lớn hơn 10 tuổi và người lớn uống tùy theo nhu cầu cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn 24h.com.vn

Chia sẻ tin này:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận