Những bệnh tật ảnh hưởng đến chức năng tình dục
Đời sống tình dục chịu ảnh hưởng của bệnh tật không chỉ về mặt thể chất mà cả về mặt tâm lý và xã hội nhưng sự hiểu biết của cặp bạn tình về những hạn chế vừa bệnh tật có thể giúp họ thích ứng với những khó khăn do bệnh tật gây ra để vẫn có thể đảm bảo quyền được hưởng sức khoẻ tình dục.
Viêm khớp: đau và hạn chế cử động gây trở ngại cho hoạt động tình dục, dẫn đến hậu quả là người bệnh chán nản, trầm cảm, không còn muốn bận tâm đến tình dục nữa. Đôi khi thuốc chữa viêm khớp cũng là nguyên nhân làm cho người bệnh giảm ham muốn tình dục. Cặp bạn tình nên thử có quan hệ tình dục vào những thời điểm ít đau, ít cứng khớp nhất trong ngày và nên dùng thuốc giảm đau trước 1 giờ. Tuỳ theo vị trí khớp đau, thay đổi tư thế tình dục theo hướng dẫn của chuyên viên về liệu pháp tình dục có thể tạo được sự dễ dàng hơn.
Tiểu đường: nam giới bị bệnh tiểu đường có thể có biến chứng liên quan đến các mạch máu nhỏ hoặc các dây thần kinh do đó gây rối loạn chức năng cương cứng. Tuy hiếm nhưng có thể gặp sự cố mất cương cứng khi mới bắt đầu giao hợp, do yếu tố trọng lực mà máu bị rút đi khỏi tiểu khung nên không duy trì được sự cương cứng. Vì thế, thay đổi tư thế: người chuyển dần sang tư thế nằm nghiêng hay nằm dưới có thể có thuận lợi hơn. Viêm âm đạo do nấm cũng hay gặp ở phụ nữ bị bệnh tiểu đường, do đó gây đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục. Chỉ sau khi điều trị tốt viêm âm đạo do nấm thì chức năng tình dục mới có thể phục hồi.
Sau nhồi máu cơ tim: cần nghỉ ngơi 2-3 tháng mới có thể được phép có hoạt động tình dục hay những loại vận động được xem là gây mệt nhọc khác ở nhà. cần theo một chương trình phục hồi bao gồm vận động được nâng cao dần với sự giám sát của thầy thuốc – hoạt động tình dục không nặng nhọc hơn việc leo 5 tầng lầu. Nỗi lo lại có một cơn nhồi máu cơ tim lần nữa có thể làm cho nam giới giảm khả năng cương cứng, dùng thuốc để điều trị trầm cảm cũng gây tác dụng tương tự. Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành và đã qua phẫu thuật “bắc cầu” cũng cần có sự thận trọng nhưng thời gian kiêng quan hệ tình dục có thể ngắn hơn.
Suy tim mạn tính: Trong suy tim độ I và II, hoạt động tình dục lợi nhiều hơn hại vì là một hoạt động thể lực tương đối nhẹ, giúp phục hồi chức năng và có tác dụng tâm lý tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, có một số điểm cần chú ý, nhất là suy tim độ III trở lên: phải có mức độ, thấy mệt là phải nghỉ, nhất là đang giao hợp mà thấy khó thở nên ngừng ngay. Với suy tim độ IV, có những thời kỳ nên kiêng hẳn; tìm tư thế thích hợp nhất để tránh mệt (nam nằm dưới hoặc nằm nghiêng).
Đột quỵ: hầu hết bệnh nhân sau đột quỵ đều suy giảm về chức năng tình dục, giảm về tần suất, rối loạn cương cứng, giảm khoái cực… chủ yếu do yếu tố cảm xúc, sau mới là những trở ngại về thể chất. Thử thay đổi tư thế tình dục và được tư vấn là những giải pháp có thể có ích.
Cao huyết áp: Vì giao hợp là một gắng sức nhỏ, có thể coi như một động tác thể dục nhẹ nên người tăng huyết áp giai đoạn I và II không cần kiêng. Có thể có quan hệ tình dục như khi huyết áp còn bình thường, tất nhiên nếu cảm thấy mệt thì nên tránh. Các bệnh chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, nếu xảy ra cũng là do trùng hợp, không phải vì giao hợp… Tăng huyết áp giai đoạn III, có suy tim hoặc thắt ngực thì cần kiêng. Cao huyết áp có thể gây ta những thay đổi ở mạch máu cho nên có rối loạn cương cứng – cũng là tác dụng phụ của thuốc chống cao huyết áp nhưng với những thuốc chống cao huyết áp thế hệ mới thì hiếm khi có tác dụng phụ này. Nếu có thì Vigara có tác dụng tốt và có thể dùng đồng thời với thuốc chống cao huyết áp, tuy nhiên không nên dùng khi bệnh nhân đang điều trị cơn đau thắt ngực.
Bệnh thận: suy thận mãn tính gây biến đổi chức năng tình dục ở cả nam và nữ. Nếu được điều trị tốt bao gồm thẩm phân và chữa thiếu máu có thể cải thiện chức năng tình dục. Yếu tố chính là kiểm soát urê máu; cấy ghép thận thành công sẽ là cách có hiệu quả nhất để phục hồi chức năng tình dục bình thường.
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính: Thuốc để điều trị cũng làm giảm ham muốn và khả năng tình dục, mặc dầu rất hiếm nhưng một số người bệnh lại tăng ham muốn tình dục.
Trầm cảm hay gặp ở bệnh nhân Parkinson và cũng gây giảm ham muốn tình dục. Vigara có thể dùng cùng với thuốc chữa Parkinson và có tác dụng với bệnh nhân rối loạn cương cứng. Trong thực tế, cũng cần lựa chọn thời điểm khi thuốc có tác dụng nhất và các triệu chứng nhẹ nhất.
Điều cần nhấn mạnh là những trở ngại đến hoạt động tình dục do bệnh tật gây ra khó có thể vượt qua nếu không có sự khích lệ, giúp đỡ của vợ/chồng với người bệnh vì đời sống tình dục là sự chia xử của cặp bạn tình, không từ một phía.