Phục hồi chức năng lao khớp
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG LAO KHỚP
I.ĐẠI CƯƠNG
– Định nghĩa: Lao khớp là một bệnh nhiễm trùng mạn tính thứ phát do vi khuẩn lao gây nên và được truyền qua đường máu. Đây là một bệnh lao khu trú ở khớp, đa số trường hợp khởi đầu ở tuổi đang lớn, ở trẻ em.
– Lao khớp nếu không được phát hiện sớm điều trị sớm có thể biến chứng dẫn đến hình thành ổ áp xe lạnh cần phải can thiệp ngoại khoa.
– Ngày nay các thuốc kháng lao và đa hóa trị liệu có thể ngăn chăn sự tiến triển của bệnh lao.
– Khớp hay gặp nhất là khớp háng và khớp gối, các khớp nhỏ khác ít gặp hơn.
II.CHẨN ĐOÁN
1.Các công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh: lưu ý đến tiền sử bản thân và gia đình có bị lao phổi hay nơi khác trong cơ thể không.
1.2. Khám và lượng giá chức năng
– Giai đoạn khởi phát: người bệnh mỏi, đau vùng khớp háng hoặc khớp gối, dáng đi tập tễnh, nhất là khi đi lại nhiều. Khi đi không dám đứng dồn trọng lượng lên chân có khớp bị tổn thương và luôn giữ cho chân dạng xoay ra ngoài và gập nhẹ. Lao khớp háng khi khám ấn vào tam giác Scarpa thấy đau tăng, lao khớp gối cũng đau tăng khi ấn vào vùng gối.
– Giai đoạn toàn phát đau tăng lên, các cơ ở đùi, háng do kích thích bị co và ngắn lại dẫn đến chân có khớp bị lao có hiện tượng ngắn lại. Khớp háng sưng to, cơ mông và đùi teo nhanh. Áp xe lạnh thường hình thành trong gia đoạn này,
– Giai đoạn ổn định: bệnh tiến triển dẫn đến dính khớp hoặc liền xương vững chắc kèm theo biến dạng khớp.
– Ngoài ra cần khám kỹ các triệu chứng toàn thân, lượng giá tầm hoạt động của khớp và các chức năng thần kinh cơ khác.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
– Chụp XQuang khớp háng hoặc khớp gối nghi ngờ bị lao
– Chụp XQuang tim phổi tìm lao nguyên phát.
– Chỉ định nội soi khớp khi thấy cần thiết
– Siêu âm khớp, chụp cắt lớp vi tính khớp nghi bị lao,
– Các xét nghiệm: huyết học, sinh hóa máu, máu lắng, CRP
– Xét nghiệm đặc hiệu: xét nghiệm dịch khớp, xét nghiệm kháng thể kháng lao, soi tìm vi khuẩn lao, PCR. Phản ứng Mantoux (ít có giá tr ị chẩn đoán) .
2.Chẩn đoán xác định: dựa trên bằng chứng có vi khuẩn lao, nội soi khớp, kết quả chẩn đoán hình ảnh
3.Chẩn đoán phân biệt
– Đối với khớp háng phân biệt với hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, viêm khớp háng không phải do lao, chấn thương khớp háng.
– Đối với khớp gối: chẩn đoán phân biệt với thoái hóa khớp gối, chấn thương dây chằng khớp gối.
4.Chẩn đoán nguyên nhân: chủ yếu do lao thứ phát.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1.Các nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
– PHCN sớm và điều trị sớm
– Tiến hành song song PHCN và điều trị
– Điều trị bằng các thuốc giảm đau, cho thuốc kháng lao khi có bằng chứng phát hiện được vi khuẩn lao.
– Phẫu thuật khi phát hiện có ổ áp xe.
2.Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
– Hướng dẫn người b ệnh tập các bài gồng cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi, cơ mông.
– Tập di chuyển độc lập và với dụng cụ trợ giúp, tập không chịu sức nặng lên khớp.
– Đối với khớp được phẫu thuật hoặc thay khớp nhân tạo ngoài các bài tập rên cần bổ sung các bài tập thở, tập kháng trở tăng tiến các chi. Tập theo tầm vận động khớp, tập chủ động có trợ giúp.
– Các phương thức Vật lý trị liệu như nhiệt ấm, các dòng điện giảm đau có thể ứng dụng để điều trị
3.Các điều trị khác
– Phẫu thuật nạo, cắt bỏ bao hoạt dịch
– Thay khớp nhân tạo
– Hàn khớp
IV.THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Tái khám định kỳ 6 tháng một lần theo lời dặn của bác sỹ
Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT