Phục hồi chức năng sau phẫu thuật gãy đầu trên xương cánh tay
Chương trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật gãy đầu trên xương cánh tay là giải pháp tối ưu để đảm bảo rằng bệnh nhân có thể trở lại đời sống thông thường nhanh chóng. Chương trình sẽ cung cấp cho bệnh nhân các dịch vụ và kỹ thuật để giải quyết các vấn đề liên quan đến chức năng sau phẫu thuật gãy đầu trên xương cánh tay.
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU PHẪU THUẬT GÃY ĐẦU TRÊN XƯƠNG CÁNH TAY
Mục lục bài viết
I. TỔNG QUAN
Gãy đầu trên xương cánh tay rất phổ biến ở người cao tuổi. Một số ít bệnh nhân bị tổn thương thần kinh nách (giảm cảm giác ở phần giữa delta) hoặc tổn thương động mạch nách. Co cứng khớp có thể tiến triển chỉ sau vài ngày bất động, đặc biệt ở người cao tuổi.
II. NGUYÊN NHÂN
Hầu hết loại gãy này là hậu quả sau ngã chống tay tư thế duỗi khuỷu, và ít thường xuyên hơn là cơ chế chấn thương trực tiếp.
Phân loại
Gãy xương được phân loại theo số mảnh vỡ; một mảnh được định nghĩa là một cấu trúc giải phẫu chính bị di lệch (> 1 cm) hoặc gập góc (> 45°) so với vị trí giải phẫu của nó. 4 cấu trúc giải phẫu quan trọng của xương hầu là
- Cổ giải phẫu
- Cổ phẫu thuật
- Củ lớn
- Củ bé
Ví dụ, nếu không có cấu trúc chính nào di lệch hoặc gập góc, gọi là gãy một mảnh. Nếu một cấu trúc bị lệch góc hoặc di lệch, vết gãy có 2 phần. Gần 80% gãy đầu trên xương cánh tay là gãy một mảnh; chúng thường là gãy vững, ổ gãy được giữ lại với nhau bằng bao khớp, chóp xoay và màng xương. Gãy xương ≥ 3 mảnh ít gặp.
III. CHẨN ĐOÁN
- Dựa vào phim Xquang trước và sau khi can thiệp
- Lượng giá tình trạng bệnh nhân hiện tại
IV. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
1. Những vấn đề cần lưu ý:
Giảm đau nên được thực hiện thường xuyên để cho phép kiểm soát cơn đau tốt và cho phép thực hiện bài tập một cách có hiệu quả. Chườm đá thường xuyên hỗ trợ kiểm soát cơn đau và giảm sưng tấy
Bệnh nhân sẽ có thể lái xe trở lại trong vòng 12 tuần nhưng điều này phụ thuộc vào tình trạng hồi phục của họ, phạm vi di chuyển và kiểm soát tư thế. Nên được tái khám theo hẹn của bác sĩ để có lời khuyên.
Tránh bơi lội trong 4-6 tháng (Cần có hướng dẫn từ bác sĩ phẫu thuật khi tái khám)
Bệnh nhân làm công việc chân tay nên tránh nâng vật nặng trong 6 tháng.
Bệnh nhân có thể trở lại hoạt động thể thao sau 6-9 tháng tùy thuộc vào loại hình thể thao.
Bệnh nhân sẽ đạt được sự cải thiện tối đa trong khoảng 12-24 tháng, vì vậy sẽ cần được thúc đẩy để tiếp tục chương trình tập luyện PHCN tại nhà. Bệnh nhân có thể mong đợi đạt được vai ổn định không đau, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chức năng từ nhẹ đến trung bình ở ngang thắt lưng, ngang vai và qua đầu.
2. Chương trình tập PHCN
– Chương trình tập dựa trên tình trạng bệnh của bệnh nhân, cũng như cách thức can thiệp phẫu thuật, và các biến chứng sau phẫu thuật nếu có. Các bác sĩ phục hồi chức năng cần liên hệ chặt chẽ với phẫu thuật viên để có chương trình tập phục hồi chức năng tốt nhất cho bệnh nhân
– Nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến kết quả phục hồi chức năng sau phẫu thuật, bao gồm sức khỏe của xương trước phẫu thuật, nguồn cung cấp máu, phạm vi chuyển động của vai (ROM), sức mạnh và chức năng của vai trước phẫu thuật. Các cân nhắc cá nhân khác bao gồm tuổi của bệnh nhân và các bệnh lý nền, chẳng hạn như: tăng chỉ số BMI, hút thuốc và tiểu đường.
– Các kỹ thuật vật lý trị liệu: như điện trị liệu, siêu âm trị liệu, tĩnh điện trường … tạo điều kiện cho quá trình can xương sớm và hoàn thiện
2.1. Giai đoạn bảo vệ từ 0-4 tuần
2.1.1. Mục tiêu phục hồi chức năng
- Giảm thiểu cơn đau và phản ứng viêm
- Bảo vệ gãy xương và tối ưu hóa quá trình liền xương
- Khôi phục phạm vi chuyển động thụ động của vai (PROM)
- Duy trì chức năng khuỷu tay, cổ tay và bàn tay
2.1.2. Đeo đai
Đeo địu ít nhất 3 tuần. Nên tháo đai địu ít nhất bốn lần mỗi ngày để thực hiện các bài tập và hoạt động hàng ngày như ăn uống, mặc quần áo và tắm rửa
2.1.3. Các biện pháp phòng ngừa
- Không tập dạng vai quá 90 độ
- Xoay ngoài khớp vai 0-40 độ
- Không nâng vật nặng hơn 1lb (0,45 kg)
- Không lái xe cho đến khi có đầy đủ ROM, dây đeo được tháo ra và không sử dụng thuốc giảm đau có chất gây nghiện
- Không cử động vào vùng đau
2.1.4. Chương trình can thiệp
+ Kiểm soát đau/phù nề: chườm đá, điều trị bằng máy tĩnh điện trường
+ Phạm vi chuyển động/Khả năng di chuyển
- Tập vận động thụ động khớp vai (PROM)
- Con lắc vai (Bài tập Codman)
- Khuỷu tay, cổ tay và bàn tay tập chủ động (AROM)
+ Tập tăng cường
- Bóp bóng
- Bài tập khép vai và cử động của xương bả vai
2.1.5. Tiêu chí để tiến bộ
- Có thể bỏ đeo đai sau 4 tuần
- Kiểm soát cơn đau thích hợp
- Tầm vận động chủ động khuỷu tay đầy đủ
- Vai phẫu thuật tập thụ động gập 140 độ, xoay ngoài 40 độ, dang 90 độ
2.2. Giai đoạn 2: Từ 4 – 8 tuần
2.2.1. Mục tiêu phục hồi chức năng:
- Tầm vận động chủ động toàn vai bên phẫu thuật
- Bắt đầu các vận động hỗ trợ chủ động của vai và tập vật động chủ động
- Bắt đầu tăng tầm vận động tích cực sau 6 tuần
- Bắt đầu tăng cường tập đẳng trương khuỷu tay nhẹ nhàng
- Bắt đầu tập các bài tập đẳng trường khớp vai
- Giảm thiểu chuyển động bù của chi trên liên quan
- Khuyến khích trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày bình thường trong khi dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa
2.2.2. Các biện pháp phòng ngừa
- Không nâng vật nặng hơn 2 lbs (0,9 kg) trước 6 tuần
- Bắt đầu tăng tầm vận động chủ động vai sau 6 tuần phẫu thuật
- Không cố gắng ép hết tầm khớp vai
- Không tăng lực đẳng trương cho vai
2.2.3. Chương trình tập luyện
Tiếp tục các bài tập của giai đoạn 1 và tập thêm các bài tập sau
– Tập chủ động có trợ giúp:
- Duỗi và chống tay nhẹ nhàng ra sau (Lawn chair progression)
- Chườn cánh tay trên mặt bàn (table slides exercise), chườn cánh tay trên tường (bài tập bò tường)
- Tập kéo tay với ròng rọc
– Bài tập chủ động
- Gấp vai ở tư thế nằm ngửa
- Xoay ngoài khớp vai ở tư thế nằm nghiêng bên lành, cánh tay sát thân mình có kê khăn dưới cánh tay
- Dạng cánh tay tới 90 độ ở tư thế nằm nghiêng bên lành
- Gấp vai ở tư thế nằm nghiêng bên lành
– Bài tập khỏe cơ
- Gấp vai, duỗi vai, xoay trong, xoay ngoài đẳng trường khớp vai
- Gấp cơ nhị đầu
- Duỗi cơ tam đầu
2.2.4. Tiêu chí để tiến triển
- Hết tầm vận động thụ động khớp vai
- Hết tầm vận động chủ động khớp khuỷu
- Kiểm soát cơn đau tốt
- Khả năng chịu đựng tốt đối với co cơ đẳng trương của vai và tập khỏe cơ vùng khuỷu
2.3. Giai đoạn 3: Tập khỏe, từ 8-12 tuần
2.3.1. Mục tiêu phục hồi chức năng
- Hết tầm vận động chủ động khớp vai
- Bắt đầu tập khỏe cơ vùng vai
- Tăng cường sức mạnh của khuỷu và cổ tay
- Kiểm soát đau tốt
2.3.2. Các biện pháp phòng ngừa
- Không nâng vật quá 10 lbs (4,5kg) bên tay đau
- Khi tập không gây đau, và tập quá mạnh
- Không tập các bài tập quá mức lên các vùng liên quan
2.3.3. Chương trình tập luyện
Tiếp tục các bài tập giai đoạn 1,2. Phạm vi tập luyện/khả năng di chuyển
+ Tập chủ động có trợ giúp
- Gấp vai tư thế đứng cùng với thang tường
- Dạng vai tư thế đứng cùng với thang tường
+ Tập các bài tập chủ động
- Dạng – gấp vai tư thế đứng
- Bài tập PNF chéo vai ở tư thế đứng
- Các bài tập chữ I, Y, T ở tư thế nằm sấp
+ Các bài kéo dãn
- Các bài tập kéo dãn cơ ngực lớn với cửa (Doorway Stretch)
- Kéo dãn cơ nhị đầu
- Kéo dãn chéo cơ thể
+ Bài tập khỏe
- Kéo khỏe ở tư thế tay duỗi
- Chống vai xoay trong, xoay ngoài với tư thế trung tính
- Cú đấm thấp với sức đề kháng
- Khép bả vai với tư thế nằm ngửa
2.3.4. Tiêu chí để tiến triển
- Hết tầm vận động chủ động khớp vai
- Không đau, và sức cơ đủ mạnh
2.4. Giai đoạn tập khỏe: sau 12 tuần
2.4.1. Mục tiêu phục hồi chức năng
- Tiếp tục các bài tập khớp vai nặng hơn
- Trở lại các sinh hoạt chức năng bình thường
- Tăng tầm vận động khớp nếu cần
2.4.2. Chương trình tập luyện
- Tiếp tục các bài tập ở giai đoạn 1,2,3
- Tập khỏe các cơ đai vai
2.4.3. Tiêu chí để tiến triển
- Sức cơ đai vai đủ mạnh, từ 80% so với tay lành
- Không đau, và tập các bài tập tăng cường thoải mái
- Đánh giá thang điểm khuyết tật thấp nhất
V. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Cần theo dõi tại cơ sở y tế tuyến dưới, tái khám định kỳ 1,3 tháng tại các cơ sở Phục hồi chức năng.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuyên ngành phục hồi chức năng – Quyết định số 3109/QĐ-BYT Ngày 19/08/2014
2. Bộ Y tế, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng – Quyết định số: 54/QĐ-BYT ngày 06/01/2014
3. Masachuset general hospital (2021), Rehabilitation Protocol for Proximal Humeral Fracture Open Reduction Internal Fixation (ORIF)
4. https://www.msdmanuals.com/professional/injuries-poisoning/fractures/proximal-humeral-fractures