Sao chưa tư vấn đã chích thuốc bỏ thai?
TTO – Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi đọc thông tin một thai phụ không được bác sĩ thông báo, tư vấn về việc bỏ thai chết lưu sau khi siêu âm. Sau khi y tá tiêm thuốc chị mới biết đó là thuốc bỏ thai.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết y tá tiêm thuốc cho thai phụ là người đang học việc và không biết y tá đó tên gì.
Bệnh viện cũng khẳng định các bác sĩ, y tá đều xử lý không sai. Vấn đề sai sót khi không đưa bệnh nhân đi siêu âm bằng xe đẩy và chưa tư vấn cho bệnh nhân và người nhà đã được lãnh đạo bệnh viện họp và kiểm điểm kíp trực.
Nên tư vấn cho bệnh nhân và người nhà
TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy, một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các thai phụ, cho biết bà không đánh giá về mặt chuyên môn nhưng về quản lý có những điểm chưa thật sự hợp lý trong trường hợp này.
Theo TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy, vấn đề tư vấn cho bệnh nhân và người nhà rất quan trọng bởi tất cả những can thiệp như uống, tiêm, đặt, truyền dịch… đều xâm hại đến cơ thể bệnh nhân.
Khi bác sĩ tư vấn và nhận được sự đồng ý của bệnh nhân thì mới được thực hiện. Theo BS Huỳnh Thị Thu Thủy, bỏ qua khâu tư vấn là một sai sót lớn.
Quan điểm của BS Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng quốc gia) là việc bỏ thai là một quyết định rất lớn đối với thai phụ và người nhà. Do đó, phải hỏi ý kiến và thảo luận cụ thể cùng với thai phụ và người nhà trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có quyền biết được tình trạng của mình, của thai nhi như thế nào. Khi người mẹ và người nhà bệnh nhân chưa biết tình trạng thai nhi thế nào mà y tá đã đến tiêm thuốc bỏ thai là không đúng quy trình.
Đồng tình với quan điểm này, BS Phạm Quý Trọng (ĐH Y dược TP.HCM) cũng cho rằng dù biết thai chết lưu nhưng bác sĩ vẫn nên thông báo, tư vấn và hỏi ý kiến bệnh nhân trước khi tiến hành những động tác điều trị khác.
“Những thủ thuật xâm lấn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh đều phải có sự đồng ý của bệnh nhân, người giám hộ hoặc người nhà bệnh nhân trước khi bác sĩ tiến hành, trừ khi đó là trường hợp cấp cứu và bệnh nhân không tự xét đoán được”, BS Phạm Quý Trọng nói.
BS Huỳnh Thị Thu Thủy phân tích cụ thể trong trường hợp quá nguy cấp như bệnh nhân ra huyết ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng thì các bác sĩ có thể xử lý nhanh chóng để cứu bệnh nhân.
“Còn nếu bệnh nhân không rơi vào tình trạng cấp cứu, vẫn còn tỉnh táo thì nhiệm vụ bác sĩ là phải thông báo tình trạng thai nhi thế nào, đưa ra những tư vấn về phương pháp điều trị và bệnh nhân có quyền lựa chọn của mình. Đây là khâu không thể thiếu trong quá trình xử lý”, BS Huỳnh Thị Thu Thủy chia sẻ.
Mặt khác, BS Huỳnh Thị Thu Thủy cho rằng khi phân công người chích thuốc phải biết rõ đó là ai và trách nhiệm thế nào vì bất kể loại thuốc nào cũng có thể gây sốc, dị ứng… lên bệnh nhân.
Bệnh nhân rất cần bác sĩ nói chuyện
Từ kinh nghiệm của mình, TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy cho rằng lời nói của bác sĩ với bệnh nhân và người nhà là vô cùng cần thiết. Những lời bác sĩ nói thường được bệnh nhân lắng nghe rất chú tâm như thể “nuốt từng câu từng chữ”.
“Khi thăm khám, chỉ cần một vài câu nói của bác sĩ cũng có thể giúp bệnh nhân an tâm phần nào. Ngược lại, bệnh nhân sẽ có sự thắc mắc, lo lắng. Một vài phút thông báo tình trạng bệnh, trò chuyện, tư vấn, an ủi hoặc chia sẻ… là những liệu pháp tinh thần tốt cho cả bệnh nhân và người nhà, bên cạnh việc chữa trị bằng chuyên môn thuốc thang”, BS Huỳnh Thị Thu Thủy nói.
Theo BS Lê Quang Hào, bác sĩ phải tôn trọng bệnh nhân và xem họ “còn hơn thượng đế” khi thăm khám, trò chuyện và tư vấn bởi mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng và họ đặt niềm tin rất lớn vào bác sĩ điều trị cho mình.
BS Phạm Quý Trọng đánh giá việc trò chuyện, tư vấn, hỏi ý kiến bệnh nhân và người nhà của họ là việc phải làm để đảm bảo ý nghĩa về mặt nghề nghiệp, y đức và cả luật pháp.
“Về mặt nghề nghiệp, những tác động lên người bệnh nhân đều phải trong tình trạng thoải mái và có sự ưng thuận. Về mặt luật pháp, trước khi bác sĩ thực hiện thủ thuật, cần phải có chữ ký đồng ý từ phía bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân. Có khi về chuyên môn anh không sai nhưng cũng không có nghĩa anh đúng về quy trình làm việc”, BS Phạm Quý Trọng phân tích cụ thể.
Theo điều 7, điều 10, 12 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, người bệnh có quyền: – Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh. – Được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật. Quyền được lựa chọn trong khám bệnh chữa bệnh, cụ thể: – Được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị. – Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh – Được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị Về nghĩa vụ của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 điều 7 và khoản 1 điều 11 của Luật khám bệnh, chữa bệnh (khoản 3 điều 36); thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật (khoản 1 điều 37). Theo quy định tại điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được xem là có sai sót khi vi phạm một trong các nội dung sau: a) Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; b) Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; c) Xâm phạm quyền của người bệnh. Như vậy theo quy trình khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề khám bệnh chữa bệnh phải tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng và loại thuốc sử dụng trước khi điều trị. Bởi lẽ người bệnh là người không biết về các loại thuốc, do đó người bệnh đặt niềm tin vào bác sĩ là rất lớn. Ý kiến tư vấn của bác sĩ là hết sức quan trọng và ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định của người bệnh. TS Nguyễn Hữu Thế Trạch |
Nghe các phát biểu trong bài:
>> BS Phạm Quý Trọng
“”
>> BS Lê Quang Hào
“”
>> BS Huỳnh Thị Thu Thủy
“”
VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN