Sầu riêng: Con dao hai lưỡi đối với sức khỏe

Chia sẻ tin này:

Sầu riêng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng có thể gây hại nếu bạn ăn sai cách.

Sầu riêng là loại cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á, rất ngon, nhưng không phải ai cũng chịu được mùi thơm của nó. Một quả sầu riêng trung bình nặng gần 600 g và là nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời. 100 g sầu riêng cung cấp khoảng 147Kcal năng lượng, chiếm khoảng 7% lượng năng lượng cho các hoạt động của cơ thể mỗi ngày.

Lợi ích của trái sầu riêng

Tăng cường hệ miễn dịch: Theo Life Hack, nồng độ chất chống oxy hóa, vitamin C trong sầu riêng giúp chống lại các gốc tự do, cải thiện hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa các vi khuẩn, mầm bệnh tấn công.

Ngăn ngừa thiếu máu: Sự thiếu hụt chất folate có thể gây ra dạng thiếu máu gọi là thiếu máu nguy hại. Chất folate còn được gọi là vitamin B9, rất cần thiết cho việc sản xuất ra các hồng huyết cầu bình thường. Sầu riêng là nguồn cung cấp phong phú chất folate.

Ngăn ngừa lão hóa: Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp đẩy lùi các gốc tự do, làm giảm mức độ căng thẳng, ngăn ngừa lão hóa da. Trong khi đó, mỗi chén sầu riêng chứa đến 80% nhu cầu vitamin C mà cơ thể cần mỗi ngày.

Củng cố xương chắc khỏe: Sầu riêng giàu kali, mang lại nhiều lợi ích cho xương. Nó giúp duy trì lượng canxi trong cơ thể bằng việc ngăn cản canxi bài tiết ra ngoài theo đường nước tiểu.

Bên cạnh lợi ích, sầu riêng cũng có nhiều tác hại đối với sức khỏe. Ảnh: Lifehack.

Kiểm soát huyết áp: Lượng kali cao trong sầu riêng chịu trách nhiệm bảo vệ các chức năng cơ bắp trong cơ thể bao gồm cả tim mạch, giúp kiểm soát nhịp tim và đảm bảo hoạt động bơm máu hiệu quả. Ngoài ra, sầu riêng cũng chứa lượng natri thấp, đủ an toàn cho những bệnh nhân cao huyết áp.

Ngăn ngừa táo bón: Sầu riêng dồi dào chất xơ, dưỡng chất quan trọng có tác dụng hấp thu nước và giúp tiêu hóa dễ dàng, cải thiện nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.

Chống trầm cảm: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có nồng độ serotonin thấp có nguy cơ trầm cảm cao. Sầu riêng rất giàu vitamin B6, một dưỡng chất thiết yếu trong việc sản xuất serotonin. Do vậy, ăn sầu riêng thường xuyên giúp bạn vượt qua căng thẳng, phiền muộn và trầm cảm.

Tăng cường sức khỏe răng, nướu: Sầu riêng cũng là thực phẩm dồi dào khoáng chất kali, mang lại nhiều lợi ích cho xương. Ngoài ra, hàm lượng canxi và vitamin B cao trong trái cây này giúp bảo vệ răng, lợi luôn chắc khỏe.

Tác hại của trái sầu riêng

Đầy hơi: Theo Nature Word, sầu riêng giàu chất xơ, vì vậy ăn quá nhiều có thể khiến dạ dày khó chịu.

Gây chứng khó tiêu khi ăn cùng rượu: Việc kết hợp sầu riêng và rượu có thể gây ra chứng khó tiêu từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy thuộc vào lượng sầu riêng và rượu bạn tiêu thụ. Các hợp chất lưu huỳnh trong trái cây này ức chế sự hoạt động của enzyme trong gan có tác dụng phân hủy rượu, khiến việc tiêu hóa và loại bỏ độc tố lâu hơn. Ngoài ra, sầu riêng giàu calo, vì vậy, nếu bạn ăn loại quả này khi uống rượu khiến hoạt động của dạ dày và gan khó khăn.

Tăng lượng đường trong máu: Sầu riêng là loại trái cây giàu đường tự nhiên, vì vậy những người bị bệnh tiểu đường cần ăn hạn chế để kiểm soát nồng độ glucose trong máu.

Tăng cân: Sầu riêng rất giàu calo (147 kcal). Vì vậy nếu ăn quá nhiều loại quả này chất béo sẽ tích tụ trong cơ thể. Nếu thích ăn sầu riêng, bạn nên kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện cân bằng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Không tốt cho phụ nữ mang thai: Mặc dù cải thiện khả năng sinh sản và thụ thai, trái cây nhiều đường này không tốt trong quá trình mang thai. Nó có thể gây tình trạng khó ngủ, tim đập nhanh, xuất huyết, thậm chí đột quỵ. Phụ nữ mang thai muốn ăn sầu riêng cần có sự tư vấn và cho phép của bác sĩ.

Chia sẻ tin này: