Tập phục hồi chức năng sau mổ thay khớp gối
Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Bệnh thường xuất hiện sớm hơn, tiến triển nhanh hơn trên những người lao động nặng, do đó tỷ lệ thoái hóa khớp chiếm phần nhiều ở vùng nông thôn. Trong thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng vận động. Có nhiều phương pháp để điều trị bệnh theo từng giai đoạn. Giai đoạn sớm điều trị nội khoa kết hợp phục hồi chức năng, giảm cân, nội soi làm sạch khớp, đục xương sửa trục xương chày. Giai đoạn muộn bệnh nhân biến dạng chi nhiều, co rút khớp, lệch trục cơ học, trên XQ có hình ảnh hẹp khe khớp nhiều, biến dạng khớp, khuyết xương thì có chỉ định thay khớp gối.
Trên thế giới phẫu thuật thay khớp gối toàn phần đã được tiến hành từ những năm 1970 và đã đem lại chất lượng cuộc sống tốt cho những bệnh nhân thoái hóa khớp gối. Ngày nay sự phát triển của khoa học kỹ thuật cho ra đời nhiều thế hệ khớp mới có những ưu điểm vượt trội, cùng với sự tiến bộ về vô khuẩn, gây mê hồi sức và đặc biệt là sự tiến bộ về phẫu thuật đã qui chuẩn về chỉ định mổ, kỹ thuật mổ…làm cho phẫu thuật thay khớp gối ngày càng phổ biến và đạt được nhiều thành công.
Chỉ định phẫu thuật
– Thoái hóa khớp gối độ 3, 4
– Không đáp ứng điều trị nội khoa
– Biến dạng khớp gối nặng, ảnh hưởng đến đi lại sinh hoạt
– Chấn thương khớp gối nặng
Kỹ thuật phẫu thuật
Sử dụng kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo có xi măng hoặc không có xi măng, sử dụng nguyên tắc cắt xương chuẩn : cắt bỏ phần diện khớp bị tổn thương, có 3 phần diện khớp sẽ được cắt bỏ là diện khớp xương đùi, phần diện khớp xương chày, và phần diện khớp xương bánh chè. Sau đó lắp các phần khớp nhân tạo vào. Có một số phương pháp phẫu thuật không chỉ định thay xương bánh chè, sử dụng hệ thống khớp gối nhân tạo có xi măng loại hy sinh dây chằng chéo sau.
Đánh giá Xquang khớp gối sau phẫu thuật:
Phân tích vị trí của khớp gối nhân tạo so với các trục của chi và tình trạng xung quanh khớp gối nhân tạo để đánh giá xem khớp nhân tạo có đúng vị trí hay không, có bị lỏng khớp không, có bị nứt hay gãy xương hay không, có cốt hóa xung quanh khớp không?
Điều trị phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối
Mục tiêu điều trị:
– Kiểm soát phù nề, giảm đau
-Tăng cường tầm vận động khớp
-Tăng cường sức mạnh, sức dẻo dai của cơ
-Tập di chuyển với dụng cụ trợ giúp
-Vật lý trị liệu được áp dụng sớm sau phẫu thuật.
– Giúp bệnh nhân trở lại hoạt động bình thường.
Bệnh nhân (BN) được điều trị sớm ngay sau phẫu thuật: ngay khi BN đang nằm tại bệnh viện, kỹ thuật viên bắt đầu tập gấp gối cho bệnh nhân. Khi gối đã vững vàng, ổ định- kỹ thuật viên sẽ giúp BN đi bộ với nạng hoặc khung tập đi. Bài tập được tập vài lần trong ngày.
Bệnh nhân trở về nhà được nếu:
– Vết mổ ổn định
– Lên xuống giường được
– Đi bộ được với nạng, khung tập đi
– Đi được vào nhà tắm.
Điều quan trọng là BN phải có cơ lực cơ đùi tốt, tầm vận động khớp gối được cải thiện.
Sau khi rời bệnh viện BN chọn một hoặc nhiều cách điều trị : chườm lạnh, nóng hoặc điện trị liệu để giúp làm giảm phù nề hoặc đau.Tiếp tục dùng nạng, khung tập đi 4-6 tuần sau phẫu thuật.
Các bài tập lấy lại tầm vận động của khớp gối bao gồm bài tự tập của BN và các bài tập trợ giúp của kỹ thuật viên hoặc tập trên máy tập. Chương trình tập luyện bao gồm bài tập làm vững chắc khớp gối, chịu lực thăng bằng, hoạt động chức năng.
Bài tập vững chắc : tập cơ mông, khớp háng, tập cơ đùi và cơ cẳng chân.
Tập chịu trọng lực: nếu thay loại khớp có xi măng tập chịu trọng lực dần lên chân đó đến khi cảm thấy khó chịu thì ngừng lại. Nếu thay loại khớp không có xi măng , đầu tiên đặt các ngón chân xuống đến khi đỡ đau sẽ cho phép tăng dần trọng lượng xuống chân đó.
Các bài tập: đạp xe đạp, bơi được sủ dụng cùng các hoạt động hàng ngày kết hợp cùng các baì tập lên xuống cầu thang, nâng hạ trên đâù ngón chân, ngồi xổm.
Khi BN tự tập luyện không có hiệu quả , Bn nên đến các cơ sở PHCN tập luyện. Việc tập luyên dựa vào kinh nghiệm của người điều trị. Tập gấp gối ít nhất phải được 90 độ, gối gấp tốt khi gấp trên 110 độ. Chức năng dây chằng, mô mềm rất quan trọng để lấy lại tầm vận động của gối.
*Các bài tập được tiến hành như sau:
Giai đoạn 1 : 1 đến 2 tuần sau mổ.
Mục đích:
– Kiểm soát phù nề, giảm đau.
– Duy trì duỗi gối 0o và gấp 100o .
– Duy trì sức mạnh của cơ.
– Di chuyển được với dụng cụ trợ giúp: Nạng, gậy, khung tập đi.
– Duy trì bài tập tại nhà.
Ngày 1 sau phẫu thuật :
– Chườm lạnh khớp gối 15 phút/ lần, ít nhất 3 lần một ngày. Nếu thấy cần thiết có thể chườm nhiều hơn.
– Các bài tập trên giường: Tập co cơ tĩnh, bệnh nhân nằm với chân duỗi thẳng, co cơ tĩnh chân phẫu thuật, co 5 giây nghỉ 5 giây, tập 10 lần / ngày.
– Các bài tập khác: tập vận động khớp cổ chân, tập trượt gót chân.
– Tập ngồi dậy, tập thay đổi vị trí trên giường.
– Vận động chủ động khớp gối : 0o đến 70º .
– Có thể sử dụng máy tập CPM : 0º đến 100º , ít nhất 4 giờ/ ngày.
Ngày thứ 2 sau phẫu thuật:
– Tiếp tục các bài tập ở trên.
– Bài tập độc lập trên giường 5 lần// ngày.
– Tập vận động khớp cổ chân.
– Tập gập duỗi dạng khép háng chủ động hoặc chủ động có trợ giúp.
– Tập ngồi trên ghế 30 phút, 2 lần / ngày.
– Tập di chuyển vào buồng tắm, nhà vệ sinh với người trợ giúp.
– Vận động chủ động khớp gối : 10º đến 80º
Ngày thứ 3 tới 2 tuần sau phẫu thuật:
– Tiếp tục các bài tập ở trên.
– Tập các bài tập khớp gối: Tập duỗi khớp gối hoàn toàn, mỗi ngày tập gấp chủ động khớp gối thêm 10º đến ngày thứ 5 tầm vận động khớp gối đạt 100º
– Tập mạnh sức cơ đùi, sức cơ cẳng chân bằng các bài tập có sức cản.
– Tập đứng chịu lực lên 2 chân, đứng chịu lực lên từng chân, khi bệnh nhân chịu được trọng lực thì tập thăng bằng khi đứng. Tập dồn trọng lượng lên chân phẫu thuật.
– Ở tư thế đứng: tập các bài tập gấp duỗi dạng khép khớp háng chân phẫu thuật.
– Tập di chuyển với nạng, khung tập đi.
*Giai đoạn II : Từ 2 đến 5 tuần sau phẫu thuật.
Mục đích:
– Giảm đau, giảm phù nề.
– Gia tăng tầm vận động của khớp từ 0o đến 115º .
– Tăng cường sức mạnh của cơ.
– Trở lại hoạt động chức năng hàng ngày.
– Bắt đầu tham gia chương trình tập tại nhà.
Phương pháp: Duy trì các bài tập ở giai đoạn I .
– Tập gấp duỗi khớp gối bằng các bài tập thụ động, chủ động có trợ giúp.
– Mỗi tuần tập gấp gối thêm 5º đến 5 tuần tầm vận động khớp gối đạt 0 đến 115º .
– Bài tập kéo giãn thụ động khớp gối do KTV thực hiện.
– Tăng cường sức mạnh cơ: tập vận động khớp gối chủ động có sức cản tăng dần.
– Đến tuần thứ 3 bắt đầu các bài tập xuống tấn.
– Tập di chuyển trên đệm, bước qua chướng ngại vật ít nguy hiểm có sử dụng nạng trợ giúp.
– Hoạt động trị liệu sau phẫu thuật: tập luyện cách di chuyển tại giường, sử dụng hố xí bệt, nhà tắm, đi giày dép.
– Tập đạp xe đạp 15 phút/ lần, 2 lần / ngày.
*Giai đoạn III: Sau phẫu thuật từ 6 đến 8 tuần:
Mục đích :
– Tiếp tục cải thiện tầm vận động khớp từ 0 đến 115º – 120º.
– Gia tăng sức mạnh cơ.
– Tập thăng bằng không cần trợ giúp.
– Trở lại các hoạt động hàng ngày.
Phương pháp:
– Duy trì các bài tập ở giai đoạn 2
– Tiếp tục tập vận động gấp duỗi khớp gối
– Tập tăng cường sức mạnh cơ
– Tập đứng chiụ lực hoàn toàn trên chân phẫu thuật
– Bỏ dụng cụ trợ giúp
– Tập đi bộ , lên xuống cầu thang
– Tập đạp xe đạp
– Tập chạy nhẹ, trở lại các hoạt động thể thao.
* Các lưu ý sau phẫu thuật thay khớp gối :
– Không đứng quá lâu, không gập gối quá mức.
– Không lấy chân phẫu thuật làm chân trụ.
– Ghế ngồi đủ cao đàm bảo gối gấp 90º , có tay vịn.
– Nền nhà tắm tránh ẩm ướt, sử dụng thảm chống trượt.
– Quan hệ tình dục có thể bắt đầu sau 03 tuần.
– Các môn thể thao cho phép: Đi bộ, đạp xe, bơi, khiêu vũ, đánh golf.
ThS Đặng Thị Kim Hương, Trưởng khoa PHCN BV Việt Đức