Tập vận động tư thế ngồi cho bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não

Chia sẻ tin này:

6. Tập ngồi dồn trọng lượng lần lượt sang hai bên mông
Bình thường do ảnh hưởng của phản xạ điều chỉnh thăng bằng và tư thế nên khi ngồi, nếu trọng lượng cơ thể dồn sang mông bên nào thì cơ thể sẽ nghiêng về bên đó, thân mình bên đó sẽ kéo dài ra và vai sẽ nâng cao hơn.
Bệnh nhân liệt nửa người, do giảm hoặc mất khả năng điều chỉnh thăng bằng nên trọng lượng cơ thể thường dồn hầu hết sang phía bên lành, sự mất cân xứng này sẽ ngày càng tăng nếu bệnh nhân không được tập luyện sớm.

– Tập dồn trọng lượng sang mông bên liệt: người tập ngồi về phía bên liệt, bàn tay phải đặt dưới nách bên liệt, bàn tay trái ở thân mình bên lành. Sau đó, dùng tay trái kéo bệnh nhân về phía bên liệt và dùng tay phải nâng vai bên liệt lên, đồng thời yêu cầu bệnh nhân cùng phối hợp làm theo.
– Dồn trọng lượng sang mông bên lành: người tập ngồi về phía bên liệt, bàn tay trái đặt dưới nách bên lành, bàn tay phải đặt vào thân mình bên liệt. Tạo thuận bằng cách kéo bệnh nhân về bên liệt bằng tay trái và đẩy bệnh nhân về phía bên lành bằng tay phải. Yêu cầu bệnh nhân cùng phối hợp làm theo.

Khi bệnh nhân đã có thăng bằng và vận động tốt hơn ở vị thế ngồi, người tập cần hướng dẫn bệnh nhân tự tập vận động này, một số bài tập như sau:

– Bệnh nhân ngồi ở vị thế trung gian: thân mình thẳng, hai vai ngang bằng nhau, hai tay duỗi dọc thân mình hoặc đặt trên đùi, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông. Hai bàn chân đặt trên sàn nhà, hoặc nâng lên khỏi sàn nhà.
– Người tập hướng dẫn bệnh nhân tập chuyển trọng lượng sang và dồn trọng lượng lên mông bên phải bẳng cách nghiêng người sang bên phải, làm dài thân mình phía bên phải và nâng vai bên phải cao lên. Sau đó trở lại vị thế ngồi thẳng ban đầu.
– Bệnh nhân tiếp tục tập chuyển trọng lượng sang bên trái và dồn trọng lượng lên mông bên trái bằng cách nghiêng người sang phía bên trái, làm dài thân mình phía bên trái ra và nâng vai bên trái cao lên.
– Có thể hướng dẫn bệnh nhân tập vận động ở mức cao hơn bằng cách: ngồi trên bàn hoặc giường tập, thân mình thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông, hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà hoặc nhấc lên khỏi sàn nhà (nếu đã có thăng bằng tốt).
– Người tập hướng dẫn bệnh nhân chống bàn tay phải xuống mặt giường, sau đó nghiêng người sang bên phải, rồi gấp khuỷu tay phải lại, chống khuỷu tay lên mặt giường, chuyển trọng lượng cơ thể sang mông bên phải.
– Tiếp tục vận động hạ thấp thân mình phía bên phải xuống sát mặt giường để làm dài thân mình phía bên phải ra và đưa vai bên phải nâng cao lên, chuyển và dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể lên mông và khuỷu tay phải.
– Trở lại vị thế ngồi thẳng ban đầu, rồi chống bàn tay trái xuống mặt giường, nghiêng người sang phía bên trái, gấp khuỷu tay trái lại, chống khuỷu tay trái lên mặt giường, chuyển trọng lượng cơ thể sang mông bên trái.
– Tiếp tục vận động hạ thấp thân mình phía bên trái xuống sát mặt giường để làm dài thân mình phía bên trái ra và đưa vai bên trái nâng cao lên, chuyển và dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể lên mông và khuỷu tay trái.

7. Tập di chuyển ở tư thế ngồi: “Tập đi trên hai mông”
Đây là bài tập phối hợp vận động và điều chỉnh thăng bằng của tay, chân, thân mình và toàn thân. Bệnh nhân ngồi trên ghế, trên giường hoặc trên bàn tập; thân mình thẳng, cân đối hai bên; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông; hai bàn chân nhấc lên khỏi sàn nhà. Người tập giúp hoặc hướng dẫn bệnh nhân lần lượt dồn và chuyển trọng lượng lên hai bên mông, vận động thân mình để di chuyển về phía sau hoặc ra phía trước.

+ Di chuyển về phía sau
– Người tập hướng dẫn bệnh nhân ngồi ở mép giường, hai bàn chân nhấc lên khỏi sàn nhà, hai tay hơi dạng và duỗi dọc theo thân để giữ thăng bằng. Sau đó nghiêng người sang phía bên liệt, dồn trọng lượng lên mông bên liệt; nâng mông và chân lành lên khỏi mặt giường và xoay ra phía sau.
 – Đặt mông bên lành xuống mặt giường; nghiêng người sang phía bên lành; dồn trọng lượng lên mông bên lành. Sau đó nâng mông và chân bên liệt lên khỏi mặt giường và xoay ra phía sau, rồi đặt mông bên liệt xuống mặt giường và làm lại như trên đối với bên lành.

+ Di chuyển ra phía trước: cách tập cũng tương tự như trên nhưng bệnh nhân tập di chuyển mông và thân mình lần lượt sang hai bên và ra phía trước.
 
8. Tập di chuyển từ giường sang ghế, xe lăn và ngược lại
Muốn giúp bệnh nhân tập di chuyển vị trí ở tư thế ngồi như từ giường ra ghế, xe lăn hoặc ngược lại người tập cần chú ý:
– Các đồ vật để bệnh nhân di chuyển sang phải có chiều cao bằng nhau và tương xứng với bệnh nhân khi bệnh nhân ngồi.
– Các đồ vật đó phải được đặt về phía bên liệt của bệnh nhân, có nghĩa là bệnh nhân phải được di chuyển về phía bên liệt để sang chỗ ngồi mới. Ví dụ, chuyển bệnh nhân từ giường sang xe lăn được thực hiện theo các bước như sau:

– Điều chỉnh giường và xe lăn để có chiều cao bằng nhau. Bệnh nhân ngồi ở mép giường, đặt xe lăn ở phía bên liệt, phanh cố định lại, tháo rời phần đỡ tay và chân của xe lăn. Người tập đứng về phía bên liệt giúp bệnh nhân cúi về phía trước, nâng mông lên và chuyển sang ngồi trên xe lăn.
– Sau khi đã nâng mông lên khỏi mặt giường, người tập hướng dẫn hoặc giúp bệnh nhân xoay mông và thân mình về phía xe lăn đã để ở bên liệt rồi ngồi xuống. Lắp trả lại phần đỡ tay và chân của xe lăn, giúp bệnh nhân ngồi đúng vị thế trong xe lăn như đã nói ở trên.
 
– Có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đặt phía trước một chiếc ghế có chiều cao và cách bệnh nhân một khoảng cách phù hợp để khi cúi xuống, đặt hai bàn tay lên mặt ghế, bệnh nhân đã ở vị thế dồn trọng lượng về phía trước đủ để nâng mông lên khỏi mặt giường và di chuyển.
   

9. Tập vận động tay liệt có sự trợ giúp của tay lành
Tập vận động tay liệt có sự trợ giúp của tay lành là một trong những động tác tập rất sớm ở tư thế nằm. Vận động này cũng cần được thực hiện ngay khi bệnh nhân ngồi dậy trên giường, trên ghế hoặc trên xe lăn.
Có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách cài các ngón tay hai bên vào nhau, dùng tay lành hỗ trợ vận động cho tay liệt. Nếu vận động của tay liệt tốt hơn, bệnh nhân có thể sử dụng một số dụng cụ trợ giúp tập luyện như ròng rọc, gậy, bóng để thực hiện bài tập vận động này.

– Bệnh nhân ngồi trên bàn tập hoặc ghế có chiều cao phù hợp, có thể đặt một chiếc bàn phía trước. Người tập hướng dẫn bệnh nhân cài các ngón tay hai bên vào nhau, duỗi thẳng ra trước, đặt trên mặt bàn rồi đưa lên phía đầu càng nhiều càng tốt, sau đó đưa hai tay trở về vị trí cũ trên mặt bàn và làm lại như trước.

10. Tập ngồi bắt chéo chân liệt qua chân lành

– Bệnh nhân ngồi trên giường hoặc ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà, thân mình thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông. Người tập hướng dẫn hoặc giúp bệnh nhân nâng bàn chân bên liệt lên khỏi sàn nhà…
– Nhấc chân bên liệt lên, đưa chân liệt bắt chéo qua gối bên lành. Điều chỉnh thăng bằng để có thể ngồi được như vậy một lúc, rồi đưa chân liệt trở lại về vị trí cũ ban đầu và làm lại động tác tập như đã làm ở trên.
 

11. Tập ngồi bắt chéo chân, trọng lượng dồn lên chân ở dưới

– Bệnh nhân ngồi trên ghế hoặc trên bàn tập, hai bàn chân sát trên sàn nhà, hoặc nhấc lên khỏi sàn nhà, thân mình thẳng. Người tập hướng dẫn bệnh nhân bắt chéo chân trái qua chân phải, nghiêng người về phía bên phải, trọng lượng dồn lên mông và chân bên phải.
 
– Hướng dẫn bệnh nhân ngồi trở lại vị thế cũ ban đầu, rồi tập bắt chéo chân phải qua chân trái, nghiêng người về phía bên trái, trọng lượng cơ thể dồn lên mông bên trái. Nếu cần có thể dạng tay phải ra để giữ thăng bằng.

12. Tập kiểm soát vận động thân mình ở vị thế ngồi

– Bệnh nhân ngồi trên giường hay bàn tập, hai tay cài các ngón vào nhau, thân mình thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai mông. Hai bàn chân đặt trên sàn nhà (nếu thăng bằng chưa tốt) hoặc nhấc lên khỏi sàn nhà (nếu thăng bằng tốt).
– Người tập đặt trên mặt giường phía bên liệt một số đồ vật như cốc, chén, bao diêm hoặc các vật hình trụ khác có kích thước nhỏ, sau đó yêu cầu bệnh nhân quay sang phía bên liệt, dùng hai tay đã cài các ngón vào nhau lấy từng đồ vật trên mặt giường…
– Chuyển các đồ vật đó sang và đặt lên mặt giường ở phía bên lành. Lưu ý bệnh nhân trong khi tập vận động vẫn phải giữ cho thân mình ngồi thẳng và cân xứng, chỉ xoay thân, điều chỉnh thăng bằng để thực hiện các động tác vận động trên.
– Sau khi tất cả các đồ vật đã được chuyển sang phía bên lành, người tập lại hướng dẫn bệnh nhân dùng hai bàn tay đã cài các ngón vào nhau lấy từng đồ vật một, đưa sang đặt lên mặt bàn ở phía bên liệt cho đến khi tất cả các đồ vật đã được đưa sang. Rồi tiếp tục làm lại như vậy.
 
– Bệnh nhân ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp, hai bàn chân đặt trên sàn nhà, hai tay duỗi, thân mình thẳng, trọng lượng dồn đều lên hai bên mông. Người tập hướng dẫn bệnh nhân nghiêng người sang phía bên phải càng nhiều càng tốt sau đó trở lại tư thế ngồi thẳng ban đầu.
 
– Tiếp tục với vận động nghiêng người sang phía bên trái để dồn trọng lượng cơ thể lên mông bên trái. Người tập lưu ý bệnh nhân khi nghiêng người sang phía bên nào thì thân mình phía bên đó phải co ngắn lại và thân mình phía bên kia phải kéo dài ra.
 
– Hoặc hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp, cài các ngón tay hai bên vào nhau. Sau đó cúi về phía trước, thả lỏng hai tay cho đến khi hai bàn tay sát trên sàn nhà giữa hai bàn chân, rồi ngồi thẳng trở lại tư thế ban đầu.
– Bệnh nhân ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân được nhấc lên khỏi sàn nhà, thân mình thẳng, cân xứng hai bên. Người tập hướng dẫn bệnh nhân tập gấp và duỗi khớp gối luân phiên hai bên. Lưu ý bệnh nhân gấp khớp gối để đưa gót chân bên liệt về phía sau càng nhiều càng tốt.
– Bệnh nhân ngồi trên ghế ở vị thế như trên, mông và đùi phía bên liệt sát mép ghế. Người tập hướng dẫn bệnh nhân giữ chân lành cố định, tập gấp và duỗi chân bên liệt. Cần lưu ý bệnh nhân động tác gấp khớp gối sao cho gót chân bên liệt được đưa về phía sau càng nhiều càng tốt.

 

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận