Thăm dò chức năng hô hấp – Hô hấp ký

Chia sẻ tin này:

HÔ HẤP KÝ
Thăm dò chức năng hô hấp bao gồm:

  • Thăm dò chức năng thông khí (hô hấp ký)
  • Đo khí cặn, đo tổng dung lượng phổi TLC
  • Đo khả năng khuếch tán khí DLCO
  • Khí máu

Một số loại máy hô hấp ký


 

 
1. Các chỉ định, chống chỉ định của hô hấp

1.1. Chỉ định

  • Chẩn đoán xác định hen phế quản, COPD, các rối loạn thông khí khác
  • Chẩn đoán phân biệt hen phế quản với COPD, bệnh lý có rối loạn khác như giảm oxy máu, tăng cacbonic máu, đa hồng cầu…
  • Đo lường ảnh hưởng của bệnh lên chức năng phổi
  • Để tầm soát người có nguy cơ bị bệnh phổi: hút thuốc lá, phơi nhiễm với các chất độc hại
  • Đánh giá nguy cơ, tiên lượng trước phẫu thuật (cắt thùy phổi, cắt phổi,…)
  • Theo dõi tiến triển bệnh trong quá trình điều trị
    • Với giãn phế quản
    • Với steroid trong điều trị hen, bệnh phổi mô kẽ…
    • Trong điều trị suy tim sung huyết
    • Bệnh khác (xơ nang, bệnh thần kinh cơ…)
  • Theo dõi tác dụng phụ của thuốc có độc tính trên phổi
    • bleomycin, amiodarone
  • Đánh giá mức độ tàn tật
    • Trong y khoa
    • Trong công nghiệp
    • Hướng nghiệp
    • Trong việc tham gia bảo hiểm
  • Các nghiên cứu dịch tể học

1.2. Chống chỉ định

  • Tràn khí màng phổi
  • Trường hợp tổn thương phổi có nguy cơ biến chứng khi làm hô hấp ký (kén khí lớn của phổi, màng phổi, ho máu nhiều, áp xe phổi lớn…)
  • Bệnh nhân không hợp tác (rối loạn tâm thần, giảm thính lực…)
  • Chấn thương vùng hàm mặt, lồng ngực
  • Mới phẫu thuật ngực, bụng, mắt
  • Bệnh lý tim mạch nặng: suy tim xung huyết, bệnh mạch vành, nghi ngờ hoặc xác định phình tách động mạch

2. Ưu nhược điểm của hô hấp ký

2.1. Ưu điểm của máy hô hấp ký

  • Tính toán tự động, chính xác, nhanh chóng nhưng phải đảm bảo đường cong đạt chuẩn
  • Không tích tụ khí
  • Dễ làm sạch
  • Có thể đo MVV

2.2. Giới hạn

  • Phụ thuộc vào thao tác của người đo và sự phối hợp của đối tượng được đo
  • Không đặc hiệu cho từng bệnh lý hô hấp
  • Vài chỉ số biến thiên lớn như FEF 25-75

3. Những lưu ý khi làm hô hấp ký

  • Chuẩn bị bệnh nhân
    • Dừng các thuốc giãn phế quản trước khi đo
      • Thuốc dạng hít
        • Tác dụng ngắn          4     giờ
        • Tác dụng dài             12     giờ
      • Thuốc giãn phế quản dạng uống
        • Tác dụng ngắn         8     giờ
        • Dạng phóng thích chậm    12     giờ
    • Không hút thuốc trong 2 giờ
    • Giải thích rõ mục đích và quy trình thực hiện
      • Vị trí ống ngậm, răng giả, kẹp mũi
      • Tư thế của bệnh nhân trong suốt quá trình thực hiện
        • Vị trí của đầu và cổ
        • Cúi gập người
        • Tư thế ngồi hay đứng (khuyến cáo ngồi cho an tòan)
    • Xem lại các chống chỉ định
    • Thu thập chiều cao và cân nặng (trường hợp gù vẹo cột sống thì chiều cao tính bằng chiều dài cánh tay

– Thực hiện đo hô hấp ký

  • Đo 3 lần với đường cong có thể chấp nhận được
  • Chênh lệch FEV1 và FVC giữa các lần đo không quá 5% hay 150 ml
  • Thực hiện không quá 8 lần

4. Cách đọc hô hấp ký

4.1. Các chỉ số chính trong hô hấp ký

Viết tắt Tên Trị số
VC Vital capacity (L): Dung tích sống > 80%
FVC Forced vital capacity (L): Dung tích sống gắng sức > 80%
FEV1 Forced Expiratory Volume during 1st second: Thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu > 80%
FEV1/VC Chỉ số Tiffeneau > 70%
FEV1/FVC Chỉ số Gaensler > 70%
FEF25-75 Forced expiratory flow during the middle half of FVC: lưu lượng thở ra khoảng giữa của dung tích sống gắng sức > 60%
PEF Peak expiratory flow: lưu lượng thở ra đỉnh > 80%
MVV Maximal voluntary ventilation: thông khí tự ý tối đa > 60%

Đường cong lưu lượng – thể tích


Đường cong lưu lượng thở ra

4.2. Đọc kết quả hô hấp ký

4.2.1. Xem đường cong lưu lượng thể tích có đúng kỹ thuật không (7 tiêu chuẩn, 3 yếu tố lặp lại)

– Đảm bảo 7 tiêu chuẩn:

  • Thời gian thở ra tối thiểu 6 giây? (trẻ em tối thiểu 3 giây)
  • Đường cong lưu lượng thở ra có bình nguyên kéo dài 1 giây?
  • Việc bắt đầu test có thỏa đáng không (ít hơn 5% thể tích ngoại suy)
  • Đối tượng đã hiểu được các chỉ dẫn thực hiện hay chưa?
  • Việc hít vào có được thực hiện với gắng sức cao nhất hay không?
  • Việc thở ra có trôi chảy và liên tục hay ko?
  • Gắng sức có đạt mức cao nhất khi thở ra hay không (có peak)?

– Đảm bảo 3 yếu tố lặp lại

  • Sự chênh lệch có ít hơn 150ml giữa FVC lớn nhất và lớn nhì hay không (100ml khi FVC<1.0L)
  • Sự chênh lệch có ít hơn 150ml giữa FEV1 lớn nhất và lớn nhì hay ko (100ml khi FVC<1.0L)
  • Có tài liệu chứng minh cho việc thiếu khả năng có thể lặp lại hay ko?

4.2.2. Đọc kết quả
Hô hấp ký bình thường



Bước I: Xem FVC

  • Nếu FVC bình thường: về cơ bản không có RLTKHC
  • Nếu FVC giảm: có thể RLTKHC hoặc TN
  • Xem đường nét của đường cong lưu lượng- thể tích
    • Nếu đường cong bình thường và FVC bình thường thì hầu hết kết quả test là bình thường. Ta bước sang bước V, VI. Nếu FVC giảm và đường cong lưu lượng – thể tích dốc xuống, FEV1/FVC bình thường thì có thể do RLTKHC, hen PQ không điển hình, hoặc một bất thường không rõ ràng. Trong trường hợp này cần đo TLC để phân biệt rõ. Nếu TLC giảm thì chẩn đoán chắc chắn RLTK hạn chế
    • Nếu đường cong hất lên và độ dốc giảm, lưu lượng giảm( xem hình ) thì hầu hết là RLTKTN. Chú ý đôi khi RLTK hỗn hợp cũng có hình dạng như vậy

  • Nếu đường cong lưu lượng- thể tích dẹt xuống thì gợi ý tắc nghẽn đường thở lớn (từ carina đến miệng)

Bước II: Xem giá trị của FEV1

  • Nếu FEV1 giảm từ 15% đến 20% thì hầu hết là do tắc nghẽn đường thở. Nó cũng có thể do RLTK HC, do vậy phải xem tỷ số FEV1/FVC. Nếu đo được TLC thì phải xem TLC trước. Nếu TLC tăng 15% đến 20% hướng tới RLTKTN. Nếu TLC bình thường hoặc tăng về lý thuyết sẽ loại trừ RLTKHC. TLC bình thường có thể gặp trong RLTKHH. TLC giảm gặp trong RLTKHC.
  • Nếu FEV1 bình thường thì không có RLTKHC hoặc RLTKTN , nhưng trong trường hợp tắc nghẽn đường thở lớn FEV1 có thể bình thường nhưng MVV giảm bởi vì có tắc nghẽn thì hít vào. Tương tự như vậy các BN bị nhược cơ hô hấp lúc đầu có thể biểu hiện khó thở nhưng FEV1 vẫn bình thường.

Bước III: Xem tỷ số FEV1/FVC

  • Nếu < 70%: có RLTKTN, loại trừ người già giới hạn này thấp hơn ( <65%)
  • Nếu tỷ số này bình thường: không có RLTKTN. Tuy nhiên có trường hợp có giảm thông khí không điển hình : FVC và FEV1 giảm, FEV1/FVC bình thường, đường cong lưu lượng – thể tích, TLC đều bình thường. Trong trường hợp này nên xịt thuốc DPQ, do đó thường phát hiện được HPQ không điển hình, đôi khi nên tiến hành test methacholin để chẩn đoán xác định.
  • Tỷ số này bình thường hoặc tăng gặp trong RLTKHC đơn thuần.Ở BN có giảm FVC và FEV1, FEV1/FVC bình thường hoặc tăng, không đáp ứng với thuốc DPQ thì thường có RL hạn chế. Nếu đo được TLC hoặc DLco thì sẽ thấy chúng sẽ giảm. Nếu không đo được TLC thì chụp XQ để tìm bằng chứng hoặc ước lượng TLC bằng kỹ thuật chụp XQ

Bước IV: Xem lưu lượng thở ra

  • Lưu lượng thở ra ở khoảng giữa 50% của FVC (FEF25-75) hầu như thay đối giống như FEV1, nhưng nó thường giảm trước FEV1 trong sự phát hiện tắc nghẽn đường thở ở giai đoạn sớm, FEF25-75 đôi khi giảm trong khi FVC, FEV1 và MVV bình .Trường hợp này hay gặp ở người già với triệu chứng nghèo nàn. Tuy nhiên chỉ số này biến thiên lớn nên một số tác giả khuyên phải thận khi đọc chỉ số này.

Bước V: xem MVV

  • MVV sẽ thay đổi trong hầu hết các trường hợp như là FEV1. Với FEV1 bình thường thì MVV sẽ bình thường( FEV1- 40 = MVV). Cần lưu ý đến giới hạn thấp hơn ( FEV1- 30)
  • Nếu FEV1 giảm do RLTKTN thì MVV cùng sẽ giảm. Nhưng trong RLTKTN, FEV1 – 40 = MVV không phải lúc nào cũng đúng
    • Nếu FEV1 giảm do RLTKHC thì MVV luôn luôn giảm nhưng không phải giảm nhiều như FEV1
    • Nếu FEV1 bình thường nhưng MVV giảm dưới giới hạn dưới có thể gặp trong các trường hợp sau:

      Bệnh nhân bị ốm, mệt, ho,hoặc thực hiện đo chưa gắng sức tối đa
      Xem BN có rối loạn thần kinh cơ
      Xem BN có tắc nghẽn đường thở lớn không. MVV giảm trong cả 3 loại tắc nghẽn trong, ngoài lồng ngực và cả hai. Trường hợp này phải xem hình dạng dẹt của đường cong lưu lượng- thể tích để khẳng định.
      Nếu BN bị béo phì thì MVV giảm trước khi FEV1 giảm

Bước VI: Đáp ứng với thuốc giãn PQ

  • Không đáp ứng ( FEV1 tăng < 10 %)
  • Nếu FEV1, FVC tăng > 12% và 200 ml test đáp ứng với thuốc giãn phế quản dương tính. Trong trường hợp hen không điển hình, làm test này có thể phát hiện ra. Tuy nhiên sự đáp ứng này có thể thay đổi theo tình trạng của bệnh.

4.2.3. Các hội chứng rối loạn thông khí

* Rối loạn thông khí tắc nghẽn

Tiffenaeu (FEV1/VC) giảm < 70% giá trị dự đoán
Và/hoặc Gaensler (FEV1/FVC) giảm < 70%
Tùy thuộc mức độ giảm FEV1 để đánh giá mức độ nặng RLTKTN
Theo GOLD 2003, ATS 2004

  • Giai đoạn I – FEV1 ³ 80%    : Nhẹ
  • Giai đoạn II – 50- <80%     : Trung bình
  • Giai đoạn III – 30 – 50%     : Nặng
  • Giai đoạn IV – < 30%        : Rất nặng

* Rối loạn thông khí hạn chế

TLC, VC, FVC giảm < 80% giá trị dự đoán
FEV1 > 80% dự đoán
FEV1/VC bình thường hay tăng
Đánh giá mức độ RLTKHC dựa vào giá trị VC hoặc FVC (lấy giá trị lớn hơn)
80 – 60    :    nhẹ
60 – 40    :    trung bình
< 40        :    nặng

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận