Tiêu thụ nước giải khát đang gấp 4 lần tiêu thụ sữa
Một năm người Việt tiêu trung bình 53,6 lít nước giải khát/người trong khi sữa chỉ đạt 14,8 lít/ng/năm. Hơn thế, chỉ trong 5 năm, mức tiêu thụ nước ngọt đã tăng gấp 2 lần mà theo đánh giá là có tốc độ tăng nhanh, gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Ảnh minh hoạ
Nguy hiểm nước giải khát giàu đường, nghèo vi chất
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, lạm dụng nhiều nước giải khát gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Bởi trong thành phần nước giải khát chứa nhiều đường, cung cấp năng lượng nhanh, cơ thể hấp thu cũng nhanh, làm tăng đường huyết. Khi có, cơ thể phải điều hòa để kéo đường huyết xuống, trong khi năng lượng tích lại tạo thành mỡ. Về lâu về dài, việc phải điều tiết thường xuyên lượng đường nạp vào gây rối loạn đường huyết, rối loạn dung nạp đường, rối loạn chuyển hóa.
Trong nước giải khát không có giàu vi chất, trẻ uống vào chỉ nạp đường và năng lượng khiến trẻ tăng cân, béo phì nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng phát triển chiều cao. Uống 1 lon nước ngọt, không ăn thêm gì đã đã tiêu thụ lượng đường của 1,5 ngày.
Đặc biệt, một số loại nước cho thêm ga, xục khí CO2 vào phân ly tạo môi trường axit, trẻ có thói quen hưởng thụ nhâm nhi 1 tý, ngậm trong miệng gây tác hại cho răng miệng, vào cơ thể gây tăng đào thải canxi.
Chất béo, thức ăn động vật tăng gấp đôi trong bữa ăn người Việt
Theo bà Mai, hiện nay chúng ta không chỉ quan tâm ăn, uống vi chất dinh dưỡng mà còn đảm bảo bữa ăn cũng có vi chất. Trong gần 1/3 thế kỷ qua, năng lượng khẩu phần hầu như không thay đổi nhưng năng lượng do chất béo cung cấp tăng gấp đôi- thay đổi cơ cấu khẩu phần rất lớn.
Đến nay, tổng năng lượng người Việt ăn vào mỗi ngày không tăng nhiều, bình quân ở mức 1.900kcal/ngày. Tuy nhiên, lượng thức ăn động vật nạp vào cơ thể tăng lên gấp đôi. Đây là vấn đề cần quan tâm, vì tuy có tăng được lượng sắt, nhưng phải chăng bệnh mãn tính không lây tăng lên do vấn đề dinh dưỡng, với tỷ lệ tăng huyết áp người trên 25 hiện nay là 47% (cách đây 8 năm, tỉ lệ này chỉ 25%).
Tiêu thụ thịt tăng nhưng với một số nguồn cung cấp vi chất khác như canxi trong sữa, trứng, vitamin không nhiều. Đặc biệt, lượng tiêu thụ cá chậm hơn rất nhiều so với tiêu thụ thịt.
Với chất béo, việc gia tăng quá mức việc sử dụng chất béo là mối nguy với sức khỏe. Hầu như gia đình nào cũng dùng dầu thực vật, nhưng họ vẫn nạp một lượng rất lớn mỡ động vật ẩn chứa trong khẩu phần ăn. “Người ta nói tôi có ăn mỡ đâu? Đúng là người dân không ăn mỡ nước, không ăn miếng mỡ rán lên nhưng mỡ có từ nạm, gầu bò, từ món xào rán. Ngay trong thịt cũng có thành phần mỡ. Lượng tiêu thụ thịt động vật tăng lên gấp đôi, kéo theo khẩu phần chất béo cũng tăng lên gấp đôi”, TS Mai nói.
Bên cạnh việc ăn nhiều chất béo, thích ăn nhiều món xào rán, đồ ăn nhanh nhiều chất béo bột đường, ít vận động thích ngồi xem ti vi, lướt web là căn nguyên khiến tình trạng béo phì ngày càng gia tăng.
Do cơ cấu bữa ăn không phù hợp, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là khá phổ biến. Lứa tuổi từ 6-12 tuổi thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng hơn, ngay cả protein, mức đáp ứng chỉ 77-78% nhu cầu mỗi ngày, thiếu vitamin nhóm B, đặc biệt thiếu canxi, lượng canxi từ khẩu phần ăn mới đáp ứng 45-60% nhu cầu mỗi ngày.
Về khẩu phần ăn của trẻ dưới 5 tuổi, năm 2010 Viện Dinh dưỡng đã có cuộc điều tra toàn quốc, cho thấy có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái. Ở vùng ven biển miền trung trẻ ăn nhiều gạo nhất; miền núi tiêu thụ thịt còn rất hạn chế; còn đồng bằng sông Hồng ăn nhiều thịt hơn các vùng khác.
Tình trạng thiếu máu hiện đang giảm đi nhưng vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, thiếu vitamin A điều tra năm 2010 là 14,2%; sau 5 năm mới giảm dc 1% thiếu A cận lâm sàng dù 1 năm 2 lần uống vitamin A. Thiếu vitamin A cận lâm sàng tập trung 6-12 tháng cao nhất. Tình trạng thiếu này liên quan đến ăn bổ sung, bữa ăn bổ sung thiếu lipid là căn nguyên dẫn đến tình trạng này. Hơn nữa trong sữa mẹ, có đến 35% các bà mẹ thiếu vitamin A trong sữa.
Tình trạng thiếu kẽm cũng trầm trọng với hơn 80% phụ nữ có thai bị thiếu kẽm, kéo theo 70% trẻ thiếu kẽm.
Theo TS Mai, giai đoạn 1.000 ngày vàng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Vì thế, ngay từ giai đoạn mang thai, sinh con, cho con bú đến ăn dặm, một chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây, lượng đạm, mỡ, đường vừa phải sẽ giúp cung cấp đầy đủ vitamin, vi chất dinh dưỡng, năng lượng.
Ban hành Nghị định 09/2016 bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Bà Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2016 trong đó quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Theo đó, trước mắt có ba loại thực phẩm bắt buộc tăng cường bốn loại vi chất dinh dưỡng là muối ăn phải được tăng cường i-ốt, bột mì phải được tăng cường sắt và kẽm, dầu thực vật phải được tăng cường vitamin A.
Tại Việt Nam mỗi năm có gần một triệu trẻ em dưới năm tuổi thiếu vi chất dinh dưỡng. Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là “bệnh dịch âm thầm” hay “nạn đói tiềm ẩn” bởi cơ thể không cảm nhận được sự thiếu hụt này. Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như bệnh khô mắt, mù lòa do thiếu vitamin A, bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh bướu cổ và đần độn do thiếu i-ốt.
Trong ngày Vi chất dinh dưỡng (1 và 2-6) năm nay sẽ có 5,1 triệu trẻ 6-36 tháng tuổi, 800.000 bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A tại 63 tỉnh/thành. Riêng 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng uống vitamin A liều cao được mở rộng đối với trẻ 37-60 tháng tuổi kèm với tẩy giun cho trẻ 24-60 tháng tuổi.
Hồng Hải