Trẻ sốt cao, kèm đau đầu nên nghĩ đến viêm não cấp

Chia sẻ tin này:

Bé sốt kèm theo ho, bác sĩ tuyến cơ sở không xác định được trẻ viêm não mà chỉ điều trị viêm phế quản. Quá sốt ruột khi tình trạng con không chuyển biến, gia đình đưa bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng bệnh đã quá nặng, trẻ tử vong.

Trẻ sốt cao, kèm đau đầu nên nghĩ đến viêm não cấp - 1

Trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, co giật, li bì, tri giác lơ mơ cần đến ngay cơ sở y tế

Đó là một trong những trường hợp trẻ bị viêm não cấp mà không được chữa trị kịp thời, tương tự như tình huống 7 trẻ ở Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng tử vong mới xảy ra gần đây.

Trao đổi về “ổ” gây hội chứng não cấp tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Sở Y tế địa phương vẫn tiếp tục giám sát ổ dịch. Hiện các bệnh nhi còn lại đang điều trị có diễn biến khả quan, không ghi nhận thêm ca tử vong. Trong đó đáng lưu ý 7 trường hợp tử vong trong số 21 ca mắc đều là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Hiện không ghi nhận ổ dịch viêm não virus tại các địa phương khác tuy nhiên vẫn ghi nhận rải rác các mắc nhập viện, có tử vong. Nguyên nhân tử vong do bệnh diễn biến cấp tính, nhiều trường hợp sự sống của trẻ phụ thuộc vào kinh nghiệm kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị của cơ sở y tế; ngoài ra cũng có tình trạng trẻ đến cơ sở y tế muộn.

Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây cũng ghi nhận ca tử vong do viêm não. Bệnh viện tuyến dưới không chẩn đoán đươc, chỉ điều trị viêm phế quản do bé ho, sốt. Đến khi gia đình đưa bé lên tuyến trên thì bệnh đã nặng, sau 4 ngày bé không qua khỏi.

TS Phu cũng cho biết thêm, trên cả nước số ca mắc viêm não do virus từ đầu năm đến nay giảm 42% so với cùng kỳ năm 2015. Viêm não là một bệnh khá nguy hiểm với trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức kém. Bệnh đang vào mùa nên cha mẹ cần nâng cao cảnh giác. Theo đó, tác nhân gây bệnh có thể do virus viêm não Nhật Bản.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm-Bệnh viện Nhi TW cho biết thêm: Viêm não Nhật Bản hay còn gọi là viêm não B, là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, Bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.

“Viêm não Nhật Bản diễn biến theo 3 giai đoạn: ủ bệnh-toàn phát-lui bệnh. Đối với thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 5 đến 14 ngày, trung bình là 1 tuần. Theo đó, trẻ thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 độ C – 40 độ C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn” – TS Lâm nói.

TS Lâm cũng cho biết thêm thời kỳ toàn phát diễn ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ virus xâm nhập vào tế bào não tuỷ gây huỷ hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ khởi phát các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần.

Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản do vậy khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran rít, ran ngáy và cả ran nổ. Mạch thường nhanh và yếu.

Thời kỳ toàn phát diễn ra ngắn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn. Thời kỳ toàn phát diễn ra ngắn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống .

“Thông thường bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt đô giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, và không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.

Lúc này, bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng.

Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần. Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn thâm thần…” – TS Lâm nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, PGS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biểu hiện viêm não lâm sàng ở trẻ rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng đơn giản như sốt (sốt rất cao, dai dẳng), nôn không giải thích được (không phải do thức ăn, chán ăn, không có tiêu chảy kèm theo), đau đầu có khi hết sốt mà vẫn đau đầu.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ có thể nôn nhiều hoặc không đáng kể, thậm chí kèm theo tiêu chảy. Vì thế, khi trẻ kêu đau đầu nhiều thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não, màng não và đưa con đi khám gấp.

“Trường hợp nặng thì co giật, rối loạn thần kinh như lờ đờ, mệt, li bì, nặng hơn thì hôn mê. Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Vì vậy, việc theo dõi trẻ là rất quan trọng. Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch não tủy để xác định bệnh” – PGS Dũng nhấn mạnh.

Để phòng bệnh Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo, người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Riêng đối với viêm não Nhật Bản, TS Lâm cho rằng tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Theo đó, trẻ cần tiêm 2 lần cách nhau 7 – 14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3 -4 năm tiêm nhắc lại. Ngoài ra, người lớn cần cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy.

Nguồn 24h.com.vn

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm