Triệu chứng Tai biến mạch máu não
Mục lục bài viết
Lâm sàng
Đau đầu
Các trường hợp xuất huyết dưới màng cứng thường biểu hiện đau đầu đột ngột, mãnh liệt. Người bệnh có cảm giác đau dữ dội nếu xuất huyết khoang dưới nhện. Đau đầu thường kèm theo nôn, cứng gáy và dấu hiệu màng não. Tuy nhiên, có khoảng 20 – 30% người bệnh đau đầu không điển hình hoặc không có cảm giác đau đầu.
Xuất huyết nội não: khởi phát đau đầu đột ngột, hiếm gặp dấu hiệu màng não, trừ trường hợp xuất huyết não – màng não hoặc xuất huyết tràn não thất và khoang dưới nhện. Đau đầu thường kèm theo thiếu sót thần kinh tiến triển và biến đổi ý thức.
Khoảng 20% bệnh nhân bị nhồi máu não có biểu hiện đau đầu ở mức độ nhẹ và thoáng qua.
Chóng mặt
Đây là dấu hiệu báo hiệu bộ phận tiền đình bị kích thích. Trong tai biến mạch máu não thường thấy biểu hiện kích thích vùng tiền đình trung ương. Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn tuần hoàn vùng não sau như: huyết khối tiểu não hoặc thân não, chảy máu hoặc thiếu máu cục bộ động mạch sống – nền thoáng qua. Người bệnh ít khi có chóng mặt đơn thuần mà thường kết hợp với các biểu hiện chức năng khác của thân não hoặc tiểu não như: giật nhãn cầu, rối loạn vận nhãn, mất điều hòa vận động.
Rối loạn thị giác
Mất thị lực một bên hoặc hai bên do tắc động mạch hoặc tĩnh mạch võng mạc trung tâm gây thiếu máu thị giác – võng mạc.
Mù thoáng qua (mù Fugax) là hiện tượng thiếu máu võng mạc do tắc động mạch cảnh cùng bên.
Rối loạn ngôn ngữ
Mất ngôn ngữ vận động: xảy ra khi tổn thương vùng Broca. Trong trường hợp này, người bệnh biết mình muốn nói gì nhưng không thể điều khiển được hệ phát âm (gồm dây thanh âm, môi, lưỡi…) để phát ra lời nói mà chỉ phát được tiếng ú ố. Tuy nhiên, họ vẫn có khả năng hiểu được nội dung lời nói.
Mất ngôn ngữ giác quan (mất ngôn ngữ Wernicke): xảy ra khi tổn thương vùng Người bệnh vẫn có khả năng nói bình thường, vẫn nghe được và nhắc lại được những gì mình đã nghe thấy, vẫn đọc hoặc chép lại được những chữ mà người bệnh nhìn thấy nhưng không hiểu được nội dung lời nói, nội dung những câu đã đọc hoặc đã chép lại.
Rối loạn cảm giác:
thường gặp dấu hiệu tê bì. Rối loạn cảm giác thường kèm theo liệt nửa người, xảy ra khi tổn thương vỏ não.
Yếu hoặc liệt nửa người: là dấu hiệu thường gặp trong tai biến mạch máu não.
Liệt mềm nửa người
Bên liệt có biểu hiện:
Giảm hoặc mất vận động hữu ý (cơ lực giảm): người bệnh không thể thực hiện được các động tác hoặc thực hiện một cách chậm chạp, yếu ớt.
Giảm hoặc mất phản xạ gân xương.
Giảm trương lực cơ.
Giảm hoặc mất phản xạ da bụng, da bìu.
Phản xạ bệnh lý bó tháp (Hoffmann, Babinski) có thể dương tính.
Có thể kèm theo liệt mặt trung ương hoặc ngoại biên cùng bên hoặc đối bên với nửa người bên liệt, tùy theo vị trí tổn thương.
Liệt cứng nửa người
Bên liệt có biểu hiện:
- Trương lực cơ tăng, người bệnh thường có xu hướng gấp ở chi trên, duỗi ở chi dưới. Co cứng mang tính chất đàn hồi.
- Tăng phản xạ gân xương, có thể có dấu hiệu đa động, lan tỏa.
- Giảm hoặc mất phản xạ da bụng, da bìu.
- Phản xạ bệnh lý bó tháp (Hoffmann, Babinski) dương tính.
- Có thể kèm theo liệt mặt trung ương hoặc ngoại biên cùng bên hoặc đối bên với nửa người bên liệt, tùy theo vị trí tổn thương.
Thể liệt nhẹ, kín đáo
Bên liệt có biểu hiện:
- Người bệnh yếu nửa người. Khi đi lại: tay bên liệt ve vẩy ít hơn bên lành, đi lết chân bên liệt (dấu hiệu dáng đi phạt cỏ).
- Cơ lực giảm:
+ Nghiệm pháp gọng kìm dương tính,
+ Nghiệm pháp Barré chi trên dương tính.
+ Nghiệm pháp Barré chi dưới dương tính.
+ Nghiệm pháp Mingazzini đương tính.
+ Nghiêm pháp gấp phối hợp đùi – mình dương tính.
- Giảm phản xạ da bụng bên liệt.
- Mất cân đối phản xạ gân xương hai bên.
- Có thể có dấu hiệu Hoffmann, Babinski bên liệt.
Liệt nửa người ở bệnh nhân hôn mê
Bên liệt có biểu hiện:
- Nhìn: bàn chân bên liệt đổ ra ngoài, má phập phồng theo nhịp thở.
- Khám:
+ Phản xạ bệnh lý bó tháp (Hoffmann, Babínski) dương tính.
+ Giảm trương lực cơ.
+ Giảm hoặc mất phản xạ gân xương.
+ Làm nghiệm pháp phản xạ mắt búp bê để đánh giá mức độ và vị trí tổn thương:
Đây là dấu hiệu chỉ điểm tổn thương thân não. Khi thầy thuốc quay nhanh đầu người bệnh sang hai bên hoặc cúi ngửa cổ nhanh, nếu phản xạ còn thì mắt của người bệnh sẽ di chuyển theo chiểu ngược lại so với đầu. Nếu mắt người bệnh vẫn giữ nguyên vị trí ở giữa thì đó là mất phản xạ mắt búp bê hoặc phản xạ mắt búp bê âm tính.
Mất phản xạ mắt búp bê là dấu hiệu cần thiết để chẩn đoán chết não.
+ Trường hợp dấu hiệu Charles — Bell âm tính hoặc liệt VII trung ương: làm nghiệm pháp Pierre-Marie Foix (ấn góc hàm) để phát hiện dấu hiệu liệt VII.
Hôn mê: dựa vào thang điểm đánh giá hôn mê Glasgow để tiên lượng tình trạng bệnh.
Cận lâm sàng
Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner)
- Thiếu máu não cục bộ: hình ảnh giảm tỷ trọng tại vùng nhồi máu não.
- Xuất huyết não: hình ảnh tăng tỷ trọng tại vùng máu tụ hoặc vùng não thất có tràn máu.
Chụp cộng hưởng từ (MRI: Magnetic Resonance Imaging)
Cho hình ảnh chi tiết hơn CT Scanner, đặc biệt là trong các trường hợp nhồi máu nhỏ, tai biến mạch máu não giai đoạn sớm, Cộng hưởng từ được chỉ định trong các trường hợp kết quả CT Scanner không rõ ràng, nhồi máu hố sau.
Chụp động mạch não
Là phương pháp đáng tin cậy nhất, cho phép phát hiện sự bít tắc mạch máu, tổn thương thành mạch. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp này trong giai đoạn sớm của tai biến mạch máu não có thể gây xuất huyết não thứ phát hoặc gây nhồi máu não nặng hơn.
Chụp mạch máu xóa nên (DSA: Digital Subtraction Angiography)
Dùng kỹ thuật máy tính để làm nổi lên hoặc xóa bỏ hình ảnh không muốn theo thứ tự. Mục đích: làm nổi bật cấu trúc mạch máu trong và ngoài sọ. Ưu điểm: tiện lợi, ít tốn kém, sử dụng chất cản quang ít hơn các kỹ thuật khảo sát mạch máu khác nên ít gây biến chứng hơn, quan sát đầy đủ hơn các tổn thương mạch máu trong và ngoài sọ.
Điện tim và siêu âm tim
Dùng để phát hiện các bệnh tim mạn tính hoặc bệnh tim tiềm ẩn ở người tai biến mạch máu não, phát hiện các bệnh lý nguy cơ tai biến mạch máu não do tim.