Tư vấn trực tuyến phòng và điều trị bệnh hen
Độc giả gửi câu hỏi tại đây
Hen là một trong những bệnh mãn tính phổ biến trên thế giới, có xu hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ tử vong cao. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 3.000 ca tử vong do hen, tuy nhiên đến 85% trường hợp có thể phòng tránh nếu bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
4 dấu hiệu thường gặp của bệnh hen gồm ho khan, kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính; khò khè (thở rít, cò cứ); khó thở (thở ngắn, khó thở ra); nặng ngực (tức ngực). Theo các bác sĩ, chẩn đoán hen ở trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi rất khó, không chỉ với bác sĩ trong nước mà cả ở nước ngoài. Lý do là việc xác định bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, kỹ năng thăm khám của bác sĩ. Một xét nghiệm quan trọng là đo chức năng hô hấp thì ở trẻ nhỏ lại không làm được. Các xét nghiệm chỉ làm nhiệm vụ loại trừ bệnh khác chứ không gọi tên được hen. Vì thế, chất lượng chẩn đoán hen phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ.
Người bệnh cần tránh hút thuốc dù chủ động hay thụ động. Ngoài ra, người bệnh nên không tiếp xúc các chất kích thích, tránh các thức ăn gây dị ứng. Việc tăng cường uống sữa và các loại trái cây như cam, chanh, quýt, bưởi; tập thể dục, phơi nắng sáng; lau chùi nhà cửa mỗi ngày một lần; mùng mền chăn chiếu giặt nước sôi hoặc phơi nắng mỗi tuần một lần cũng là cách phòng bệnh hữu hiệu. Bệnh nhân đang điều trị cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Việc tự chữa bệnh hen bằng thuốc cắt cơn hen tức thời hoặc uống thuốc không qua chỉ định của bác sĩ rất nguy hại. Nhiều người do thiếu hiểu biết, lúc nào cũng thủ sẵn thuốc cắt cơn, cứ lên cơn hen là hít, lâu ngày dẫn đến việc nhờn thuốc rất khó cứu chữa. Loại thuốc này có giá rẻ, cắt cơn hiệu quả nhưng nếu quá lạm dụng, ngoài nhờn thuốc, người bệnh có thể bị ảnh hưởng thần kinh.
Tham gia buổi tư vấn trực tuyến vào ngày 31/5, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP HCM sẽ cung cấp cho độc giả nhiều thông tin hữu ích về cách phòng ngừa và điều trị bệnh này.
Bác sĩ Tuyết Lan nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn hô hấp. Phó giáo sư tham gia công tác tại nhiều nơi như phòng khám chuyên khoa Phổi – Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM; khoa Hô hấp – Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Ngoài ra, bà còn đảm nhận chức Phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM, Chủ tịch hội Hen – Miễn dịch dị ứng.
Mai Thương