Vụ tử vong sau tiêm thuốc cấm dùng ở tuyến xã: Bác sỹ tự ý tiêm thuốc?
Trong khi Trưởng trạm y tế xã Kim Thành tường trình việc tiêm thuốc cấm dùng ở tuyến xã là theo yêu cầu của bệnh nhân thì người nhà ông Sơn khẳng định bà Đường tự ý tiêm, nạn nhân chỉ đến truyền dịch chứ không yêu cầu tiêm thuốc này.
Như Dân trí đã thông tin trước đó, ngày 6/6, Trung tâm y tế huyện Yên Thành (Nghệ An) đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với bà Hoàng Thị Đường – Trưởng Trạm y tế xã Kim Thành (Yên Thành). Lý do đình chỉ là để bà Đường làm bản kiểm điểm quá trình khám và điều trị bệnh nhân tử vong tại Trạm y tế vào ngày 4/6 vừa qua. Người tử vong là ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1962, trú xóm Đồng Bản, xã Kim Thành), người trực tiếp tiêm thuốc cho ông Sơn là bà Hoàng Thị Đường.
Trong bản tường trình gửi Trung tâm y tế huyện Yên Thành, bà Hoàng Thị Đường viết: Do làm mùa mệt nên ông Sơn nhờ bà Đường truyền dịch. Sau khi kiểm tra nhiệt độ cơ thể của ông Sơn, bà Đường đã truyền cho bệnh nhân 1 chai Natriclorid 0,9%. Truyền được khoảng 1/3 chai thì ông Sơn bảo bà Đường tiêm cefotaxim. Do trạm y tế không có loại thuốc này nên bà Đường đã về nhà lấy và tiêm cho ông Sơn.
Sau khi tiêm được 3 phút thì ông Sơn xuất hiện triệu chứng khó thở, tím tái. Dù được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành cấp cứu nhưng ông Nguyễn Văn Sơn được xác định đã tử vong.
“Tôi xin nhận sai sót của tôi như sau: 1, Điều trị theo yêu cầu của bệnh nhân. 2, Thuốc Cefotaxim hiện nay không dùng tuyến xã”, bà Hoàng Thị Đường viết trong tường trình.
Bà Trần Thị Hệ – vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Sơn cho biết: do bị cảm hàn nên bà Hệ nói chồng chở sang trạm y tế để tiêm thuốc. Ông Sơn thấy mệt mệt trong người nên nhờ bác Đường truyền cho khỏe. “Bác sỹ Đường cặp nhiệt kế vào nói 37,5 độ rồi lấy dịch truyền để truyền. Sau đó bác sỹ Đường sang trạm lục thuốc cefo (cefotaxim – PV) nhưng không có nên chạy về nhà lấy. Sau đó bác sỹ Đường tiêm cho tôi một mũi cefo và tiêm cho ông Sơn. Bác sỹ Đường tiêm thuốc vào tĩnh mạch chứ không đo huyết áp, không thử thuốc”, bà Hệ cho biết qua điện thoại.
Theo bà Hệ thì ông Sơn tử vong trên tay bà Đường, tại Trạm y tế xã Kim Thành.
Gia đình ông Sơn cho rằng bản tường trình mà bà Đường gửi cơ quan chức năng là không đúng và khác với bản tường trình bà Đường viết và đọc tại nhà, trước khi chứng kiến của những người làm chứng và đại diện chính quyền địa phương.
“Cha chỉ yêu cầu đang nhọc (mệt – PV) và muốn truyền dịch chứ không yêu cầu tiêm thuốc gì vào người cả. Mong cơ quan pháp luật làm việc rõ tại sao thuốc này đã cấm sử dụng ở tuyến xã nhưng tại xã vẫn dùng và tại gia đình bác sỹ Đường vẫn còn”, chị Nguyễn Thị Vân – con gái nạn nhân Nguyễn Văn Sơn khẳng định.
Trong biên bản tường trình của bà Đường do gia đình ông Nguyễn Văn Sơn cung cấp, bà Hoàng Thị Đường viết: “Vào hồi 8h40 ngày 4/6/2016, tôi bác sỹ Hoàng Thị Đường trực thứ 7. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn cùng chị Hệ đi xe máy đến trạm bảo khám. Tôi không đo huyết áp, chỉ kẹp nhiệt kế, thấy 37 độ C tôi tiến hành truyền dịch Natriclorit chín phần nghìn.
Tôi bảo chị Hệ hôm trước tiêm gì. Anh Sơn bảo tiêm Cefo. Tôi nói thuốc Cefotaxim ở đây không có mà ngoài nhà tôi có mấy lọ. Thế thì anh bảo vợ đưa chìa khóa xe máy cho o (tức bà Đường – PV) về lấy sang tiêm.
Lúc đầu tôi lấy bơm tiêm rút nước pha thuốc từ chai dịch anh Sơn tiêm cho chị Hệ một mũi TMC trước. Sau đó tôi lại rút nước pha thuốc từ chai dịch của anh để tiêm cho anh. (Tôi không thử phản ứng vì các lần trước anh đã tiêm thuốc này rồi)”.
Sau khi tiêm thuốc, ông Sơn xuất hiện triệu chứng tím tái, khó thở. Bà Đường thực hiện các bước cấp cứu và chuyển đi bệnh viện nhưng nạn nhân đã chết lâm sàng tại trạm.
Ông Nguyễn Đình Lưu – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Yên Thành cho biết: Liên quan đến sự việc xảy ra đối với ông Nguyễn Văn Sơn, bác sỹ Đường đã nhận sai sót và xin lỗi gia đình. Sau khi ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với bác sỹ Đường, Trung tâm y tế huyện Yên Thành đã thành lập hội đồng kỷ luật. Nếu bà Đường vi phạm quy định chuyên môn của ngành sẽ bị xử lý theo quy định.
Vĩnh Khang
Nguồn Dân trí